Chiến thuật “miễn dịch bầy đàn” là gì #COVID19

Phạm Quang Tuấn

Trước hết phải hiểu thế nào là miễn dịch bầy đàn (herd immunity). Khi một tỷ số khá lớn trong dân chúng đã miễn dịch (do đã nhiễm rồi khỏi, hoặc nhờ vaccine) thì bệnh sẽ khó lan lây tiếp trong cộng đồng, và tới lúc nào đó thì không lan rộng thêm. Dù còn những người chưa miễn dịch, nhưng họ được “bao vây” bởi những người miễn dịch, nên khó nhiễm. Nếu có nguồn mới du nhập vào thì cũng sẽ tự tắt nhanh chóng.

Tỷ số miễn dịch cần thiết (P) có thể tính từ công thức P = 1 – 1/R0, trong đó R0 là tỷ số lây (tức là số người (trung bình) bị lây từ mỗi bệnh nhân trong một cộng đồng chưa có ai miễn dịch). Tỷ số lây R0 của Covid-19 thường được cho là khoảng 2.5, do đó ước tính cần 60% dân số miễn dịch để tạo ra miễn dịch bầy đàn.

Vì nguy cơ tử vong của Covid tùy thuộc rất mạnh vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe, người chưa già (dưới 60 tuổi) mà bị thì thường chỉ có triệu chứng nhẹ giống như bị cảm, và tử vong rất ít (xem bảng), còn người già (70 tuổi trở lên) hay có bệnh sẵn thì tỷ vong rất cao (8% trở lên).

Chiến thuật “miễn dịch bầy đàn” tức là cách ly những người nguy cơ cao (già, có bệnh sẵn) ra khỏi xã hội, rồi cho xã hội còn lại hoạt động bình thường. Bệnh sẽ lan tràn nhanh chóng trong cộng đồng nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, không quá tải bệnh viện, vì số người chết hay bệnh nặng vẫn ít. Khi số người miễn dịch đã lên tới tỷ số cần thiết (60%) thì có thể ngừng cách ly những người già yếu và xã hội hoạt động lại bình thường.

Đó là lý thuyết, nhưng thực tế thì chiến thuật “miễn dịch bầy đàn” áp dụng cho Covid rất nguy hiểm:

1. Người “chưa già” tuy ít ca nặng nhưng không phải là không có, nhất là trong nhóm 50-65 tuổi. Nếu dịch lan nhanh quá thì bệnh viện sẽ quá tải trầm trọng.

2. Khó có thể cách ly hoàn toàn người già yếu, và cách ly tuyệt đối quá thì cũng gây nhiều vấn đề tinh thần lẫn vật chất cho họ, thậm chí gây tử vong.

Trái với chiến thuật “miễn dịch bầy đàn” là chiến thuật “chặn đứng lây nhiễm” như đang áp dụng ở VN. Chặn đứng lây nhiễm là cố phát hiện và cách ly tất cả mọi người bệnh và những người tình nghi nhiễm. Chiến thuật này cũng khó thành công hoàn toàn, vì luôn luôn có những ca không được phát hiện và tiếp tục lây lan. Ưu điểm của chiến thuật “miễn dịch bầy đàn” là xã hội, kinh tế hoạt động bình thường hơn, nhưng nếu bệnh đột phát thì tai hại rất lớn, giống như “chơi với lửa”.

Thực tế thì không có nước nào áp dụng một trong hai cách một cách cực đoan. Nước nào cũng cách ly người bệnh dù là chỉ cách ly ở nhà, và giảm hội họp lớn, đóng cửa trường học, rửa tay, đeo khẩu trang… để làm chậm sự lây nhiễm, và nước nào cũng khuyên người già bớt tiếp xúc. Sự khác biệt chỉ là ở mức độ. Việt Nam theo đuổi “chặn đứng lây nhiễm” mạnh mẽ nhưng vẫn đóng cửa trường, tức là ngầm công nhận không thể chặn hết. VQ Anh có vẻ theo khuynh hướng “miễn dịch bầy đàn” nhất trong các nước, nhưng vẫn cố phát hiện ca nhiễm và cấm một số hội họp lớn. Các nước khác thì lưng chừng theo nhiều mức độ. Mục đích chung là đừng để số người bệnh nặng dâng lên quá cao làm quá tải bệnh viện, và cầm cự cho đến khi có thuốc hay vaccine.

Be the first to comment

Leave a Reply