Tinh thần trách nhiệm, kỷ luật của người dân Đức

Nguyễn Tiến Cường

Buổi sáng đầu thu, trời nắng đẹp dù hơi lạnh, tôi lấy xe đạp định chạy một vòng phố, bờ sông rồi đi chợ luôn. Ra khỏi nhà chưa được 200m thì gặp một đám trẻ chừng 25-30 bé ở độ 5-6 tuổi, trai gái lẫn lộn nói chuyện ríu rít như chim. Đi cùng với đám trẻ là 2 cô giáo và…1 cảnh sát. Hai cô giáo, người dẫn đầu, người ở cuối đám trẻ, viên cảnh sát đi giữa.

Tôi tò mò dừng xe lại nhìn. Đến chỗ có những vạch trắng (Zebra Streifen – Crosswakl) cho người đi bộ băng qua đường, cả toán đứng lại khi hai cô giáo vỗ tay ra dấu chỉ về phia viên cảnh sát. Đám trẻ ngưng trò chuyện, yên lặng cùng quay nhìn viên cảnh sát. Viên cảnh sát bắt đầu giảng giải cho đám trẻ về cách thức băng qua đường, nơi có vạch cũng như không có vạch. Sau đó ông cầm một bảng cảnh báo tròn ra dấu cho mọi xe trên đường ngừng lại. Khi cảm thấy đã an toàn, ông mới phất tay ra hiệu và ra lệnh cho cho đám trẻ băng qua.

Tôi lại gần 1 trong 2 cô giáo hỏi chuyện, được biết đó là học sinh lớp 1 mới nhập học, hôm nay là ngày dậy về giao thông trên đường phố, cách thức đi bộ, băng qua đường sao cho an toàn, phân biệt đèn xanh, đỏ, vàng, đèn cho người đi bộ…Viên cảnh sát cũng giải thích các dấu hiệu xanh, đỏ, trắng…được vẽ trên mặt đường.
Nơi tôi ở được tính là trung tâm thành phố (Stadtmitte) có nhiều con đường được dành ưu tiên cho xe đạp, có nghĩa là các phương tiện giao thông khác vẫn được chạy bình thường nhưng phải dưới 30km/giờ và nhường đường cho xe đạp bất kể chiều nào. Nhiều đường ô tô một chiều cũng có bảng cho phép xe đạp chạy ngược chiều.

Cám ơn cô giáo, lấy smartphone ra, tôi hỏi viên cảnh sát có thể chụp 1 tấm hình không? Viên cảnh sát cho biết chụp ông thì được nhưng đám trẻ thì không. Đành cám ơn, chờ đám trẻ qua hết bên đường, tôi đạp xe đi. Vừa chạy vừa suy nghĩ về tinh thần kỷ luật và trách nhiệm công dân của người Đức.

Hơn 40 năm sống ở hải ngoại, đi qua nhiều nước, chưa tiếp xúc, làm việc, sinh hoạt nhiều với người Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch…tôi không dám khẳng định nhưng thiết nghĩ, có lẽ chỉ có người Nhật là tính kỷ luật cao hơn người Đức. Các dân tộc ở Trung, Nam Âu như Pháp, Hòa Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý…không thể sánh với Đức.

Người Đức kỷ luật, đúng giờ giấc, ngăn nắp, trật tự và rất có trách nhiệm, chẳng những khi làm việc mà ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy thành ngữ Đức có câu Trật Tự Là Một Nửa Của Đời Sống (Ordnung ist das halbe Leben). Trật tự , kỷ luật trong gia đình, học đường, xã hội đã trở thành bản chất của dân tộc Đức vì họ được giáo dục ngay từ khi còn bé.

Tính kỷ luật tạo cho người Đức sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội, đất nước. Luật pháp Đức quy định rõ ràng là cha mẹ có bổn phận, trách nhiệm với con cái và ngược lại con cái có trách nhiệm, bổn phận với cha mẹ khi họ về già. Chính quyền trợ cấp cho cha mẹ (Kinder Geld) nuôi con đến năm 27 tuổi nếu đứa con còn đi học, chưa có thu nhập, chưa làm việc. Nếu có 4 con, tiền trợ cấp cho 2 đứa con đầu là 219 euro, đứa thứ ba 225 euro, từ đứa thứ 4 trở đi là 250 euro.

Ngược lại khi cha mẹ về già, tiền hưu không đủ sống, nhà nước sẽ trợ cấp cho họ nhưng bắt buộc con cái phải liên đới trách nhiệm. Tất cả các con của họ, không bắt buộc phải chăm sóc cha mẹ nhưng những người có thu nhập, việc làm, phải nộp bản khai thuế hàng năm. Chính quyền sẽ căn cứ vào đó để bắt con cái, mỗi người phải đóng góp bao nhiêu cho cha mẹ hàng tháng nếu thu nhập vượt trên mức ấn định. Số tiền này sẽ bị trừ thẳng trong lương nếu là người làm công, còn không phải trả sau khi khai thuế kinh doanh.

Tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, công dân khác cũng luôn được nhắc nhở. Khi một tai nạn giao thông xẩy ra, người dân Đức luôn sẵn sàng làm nhân chứng nếu họ thấy rõ sự việc, tương tự như chạy xe trên xa lộ, khi gặp một tai nạn, một chiếc xe chết máy nằm trên đường, mọi người đều có trách nhiệm, hoặc gọi báo cảnh sát hoặc dừng lại tìm cách giúp đỡ nếu thấy có người bị thương. Theo ADAC (Allgemeine Deutsche Automobil Club) đã có trường hợp bị thưa ra tòa vì không ngừng xe lại giúp đỡ người bị tai nạn trên xa lộ.

Về mặt an sinh xã hội, sự trợ cấp của chính phủ không rộng rãi, hào phóng như ở Mỹ, các nước Bắc Âu Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…nhưng đầy đủ những nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, bảo hiểm y tế, di chuyển bằng phương tiện công cộng…Người dân Đức đi làm một đời, dành dụm mua nhà,đến tuổi ngoài 50 bị bệnh nan y, thất nghiệp lâu dài hoặc phải qua một cuộc giải phẫu cả trăm ngàn euro cũng không sợ mất nhà đã mua như ở Mỹ.

Không những có tinh thần kỷ luật, trách nhiệm…người Đức cũng rất nhân bản. Cuối thập niên 70 thế kỷ 20, ông Tiến Sĩ Rupert Neudeck (14.05.1939 – 31.05.2016), cha đẻ con tàu Cap Anamur lên truyền hình Đức kêu gọi đóng một con tàu cứu vớt người VN ở biển Đông. Chỉ trong một đêm, người dân Đức đóng góp hơn 1.000.000 DM làm nền tảng cho sự hình thành Ủy Ban Cap Anamur – Một con tàu cho Việt Nam. Tàu Cap Anamur đến khi ngưng hoạt động đã cứu vớt hơn 11.000 thuyền nhân chạy trốn chế độ CS. Người Việt ở Đức đã tự động góp tiền bạc, công sức để dựng một bức tượng bán thân, tưởng nhớ, tri ân tấm lòng của Tiến Sĩ Rupert Neudeck ở Troisdorf, quê hương ông.

Sau khi tàu Cap Anamur ngưng hoạt động, Ủy Ban Cap Anamur trở thành tổ chức nhân đạo, tiếp tục đi giúp đỡ người dân các nước nghèo khổ khắp thế giới, xây dựng các công trình thiện nguyện như đào giếng nước ngọt, xây cầu, trường học, bệnh viện…Ủy Ban Cap Anamur cũng có hai công trình cho Việt Nam, đào một giếng, xây cầu bắc ngang 1 con rạch để người dân qua lại vào mùa lũ không phải lội nước, nguy hiểm đến tính mạng (1).

Tiếc thay 2 công trình này bị bỏ ngang vì nạn tham nhũng của quan chức, cán bộ địa phương. Họ đòi hỏi phải đào giếng, xây cầu nơi họ muốn chứ không theo sự nghiên cứu thế đất, địa điểm thuận tiện cho dân. Khi hủy bỏ 2 công trình này, ông Neudeck đã nói với Nguyễn Hữu Huấn – một cộng tác viên kiêm thông dịch của Ủy Ban, cũng là một cựu sĩ quan không quân, tù nhân cải tạo tại Hiệp Đức: “-Tôi sẽ không bao giờ trở lại đất nước của bạn nữa.”

Bài này là nhận định cá nhân, được viết để tưởng nhớ đến một nhân cách tuyệt vời, giàu lòng nhân ái với cuộc sống vô cùng thanh bạch, không của cải, không tiền bạc, cũng để cám ơn một dân tộc, đất nước đã cho tôi cuộc sống bình an, hạnh phúc đến ngày hôm nay với sự ngưỡng mộ tinh thần kỷ luật, trách nhiệm rất cao.


https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/3009739382505180/

Be the first to comment

Leave a Reply