20/7/1954 – 20/7/2022: 68 năm Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự ở Việt Nam

Loc Pham

Hội Nghị Genève về Đông Dương mở ra ngày 8/5/1954 đưa đến kết quả chấm dứt sự hiện diện của Pháp trên toàn cõi Đông Dương sau gần 100 năm chế độ thực dân tồn tại. Đối với người dân Việt, Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự ở Việt Nam thường được biết dưới tên “Hiệp Định Genève 1954” ký kết ngày 20/7/1954.

Trên thực tế, Hiệp Định Genève về Việt Nam đã được chính thức ký kết vào lúc 3 giờ 50 phút sáng ngày 21/7/1954. Nhưng để Thủ Tướng Pháp Mendès France giữ đúng lời hứa với Quốc Hội Pháp “đem lại hòa bình cho Đông Dương trong vòng 30 ngày” kể từ ngày ông lên nhậm chức 21/6/1954, đồng hồ phòng họp vẫn để ở 12 giờ khuya ngày 20/7/1954.

Lệnh ngưng bắn có hiệu lực từ ngày 22/7/54 vào lúc 0 giờ, giờ Genève, tức 7 giờ sáng giờ Sài Gòn. Tuy nhiên, giờ ngưng bắn cụ thể tại Bắc Việt là 8 giờ sáng ngày 27/7/54; tại Trung Việt lúc 8 giờ sáng ngày 1/8/54; và tại Nam Việt lúc 8 giờ sáng ngày 11/8/54.

Phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu và đại diện Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương, Thiếu Tướng Henri Delteil ký tên vào văn bản Hiệp Định.

Riêng Phái Đoàn Đại Diện của Quốc Gia Việt Nam không ký vào Hiệp Định Genève vì không chấp nhận việc chia cắt Việt Nam. Lập trường của Quốc Gia Việt Nam được Bác sĩ Trần Văn Đỗ, Trưởng Đoàn Đại Diện của Quốc Gia Việt Nam và đại diện Phái Đoàn Quốc Gia Việt Nam công bố bằng một tuyên bố riêng như sau:

“Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp Định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính Phủ Việt Nam yêu cầu Hội Nghị ghi nhận rằng Chính Phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống Nhất, Độc Lập, và Tự Do cho xứ sở.”

Phái đoàn Hoa Kỳ, do Bedell Smith làm trưởng đoàn.cũng từ chối ký và không công nhận Hiệp Định Genève nhưng ra tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm Hiệp Định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Từ tháng 8/1954, thế giới chứng kiến gần một triệu người Việt di cư từ Miền Bắc vào Miền Nam và khoảng 140 ngàn người ra đi từ Miền Nam, đa số là cán bộ, bộ đội cộng sản tập kết và thân nhân của họ – theo số liệu của VNDCCH lúc ấy.

https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/2938142799664839/

Be the first to comment

Leave a Reply