UKRAINE VÀ NHỮNG TỪ NGỮ DẪN ĐẾN SỰ GIẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT

Anne Applebaum – Tạp chí Atlantic
Thụy Mân lược dịch

Vào mùa đông khủng khiếp năm 1932–33, nhiều lữ đoàn thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô đi đến từng nhà trong vùng nông thôn Ukraine để tìm kiếm thực phẩm. Họ đến từ Moscow, Kyiv, Kharkiv, cũng như các làng bên dưới đường. Họ đào các khu vườn, đập toang các bức tường và dùng que dài chọc vào ống khói, để tìm chỗ người ta giấu ngũ cốc. Họ tìm khói bốc ra từ ống khói nhà dân, vì điều đó nghĩa là có người đã giấu bột và đang nướng bánh mì. Họ cướp đi gia súc và tịch thu cây giống. Sau khi họ bỏ đi, nông dân Ukraine thiếu thốn lương thực, đã phải ăn chuột, ếch và cỏ luộc. Họ gặm nhấm vỏ cây và da thuộc cho đỡ đói. Nhiều người còn ăn thịt đồng loại để sống sót. Khoảng bốn triệu người chết đói thời gian này.

Khi đó những người tham gia chiến dịch không hề cảm thấy tội lỗi. Liên Xô tuyên truyền rằng những người nông dân đó là kulaks, là những chủ đất giàu có, là kẻ thù nguy hiểm của giai cấp vô sản. Thành phần kulaks nên được quét sạch, nghiền nát như ruồi muỗi, như ký sinh trùng. Thực phẩm họ sở hữu phải được trao cho những người lao động trong thành phố, xứng đáng được nhận nó hơn họ.

Nhiều năm sau, nhiều văn sĩ Nga, những người đã tham gia vào chiến dịch cướp bóc đó, đã có dịp nhìn lại, và thấy rằng để không bị lương tâm cắn rứt, người ta che đậy sự thật vô nhân đạo khó thể chấp nhận bằng cách nhắm mắt, và đóng cửa lương tâm mình. Họ nhớ về những từ ngữ được chính trị hóa giúp ngụy trang sự thật về những gì họ đã làm. Những từ ngữ đó làm cho họ không thấy thương cảm cho những người nông dân khốn khổ Ukraine, mà thay vào đó nhìn những người nông dân đó như một mối đe dọa cho sự thành công của chủ nghĩa xã hội. Họ lý giải cho những việc làm vô nhân đạo đó là yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giúp kế hoạch 5 năm thành công.

Các nhà văn này kể lại họ đã nghe và chính họ đã lặp đi lặp lại rằng những người nông dân Ukraine đó không phải là con người, mà chỉ là một thứ rác rưởi.

Chín thập niên đã trôi qua kể từ khi những điều khủng khiếp đó xảy ra. Liên bang Xô Viết không còn tồn tại. Sách viết ra của các nhà văn đã sáng mắt đó giờ có sẵn khắp nơi. Chúng ta đã nghĩ nếu kể ra những câu chuyện này sẽ khiến người ta không lặp lại những sai lầm đã mắc phải. Nhưng người dân Nga lại bị một thứ trở ngại khác che lấp tầm nhìn của họ. Đó là sự thờ ơ với bạo lực, sự thờ ơ vô nhân đạo đối với việc giết người hàng loạt.

Tuy dùng ít bạo lực hơn thời Stalin để trấn áp dân, chính phủ Putin có một chiêu khác: Ngày nay, truyền hình Nga, do chính phủ Nga điều hành đã mang tính giải trí hơn, phức tạp hơn, có phong cách hơn so với các chương trình trên đài phát thanh thời Stalin. Phương tiện truyền thông xã hội hiện giờ cũng gây nghiện và hấp dẫn hơn nhiều so với những tờ báo in thô thiển thời Stalin. Những kẻ có tài châm biếm được đào tạo chuyên nghiệp và
những người nổi tiếng được công chúng ủng hộ có thể định hướng sự tranh luận trên mạng xã hội, mang lại lợi ích cho Điện Kremlin mà lại ít tốn công sức hơn xưa rất nhiều.

Nhà nước Nga hiện giờ thay vì đưa ra một số viễn cảnh thiên đường cho người dân, họ lại muốn người dân trở nên hoài nghi và thụ động; dân có tin chính phủ hay không cũng không quan trọng. Mặc dù nói dối, nhưng họ cố gắng làm cho lời giả dối của họ như thật. Họ tức giận khi ai đó buộc tội họ nói dối, và họ đưa ra “bằng chứng” giả mạo để phản bác. Ở nước Nga của Putin, chính trị gia và các nhân vật tiếng tăm trên truyền hình có một trò chơi khác, một trò chơi mà chúng ta ở Mỹ chỉ mới biết đến từ khi có các thủ đoạn chính trị của Donald Trump: Đó là nói dối liên tục, trắng trợn, rõ ràng. Nhưng nếu bị buộc tội nói dối, họ không bận tâm đưa ra lời phản bác. Cả một sự giả dối triền miên như thế dần dần làm người ta mệt mỏi, rồi trở nên thờ ơ, thay vì phẫn nộ. Vì liên tục dối trá như thế làm sao người ta có thể biết đâu là sự thật?

Thay vì ca ngợi một thiên đường Cộng sản, tuyên truyền hiện đại của Nga gần đây tập trung vào kẻ thù. Người Nga biết rất ít về những gì đang xảy ra nơi họ ở. Do đó, họ không phải thấy sự tương phản giữa thực tế và điều chính phủ rêu rao như trước đây dưới thời Liên xô. Mà họ được nghe liên tục về những nơi họ chưa biết chưa thấy như Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển và Ba Lan — những nơi đầy rẫy sự suy đồi, đạo đức giả và “hội chứng bài người Nga”.

Nước Mỹ còn bị họ phác họa tồi tệ hơn. Người Mỹ sẽ rất kinh ngạc khi biết rằng truyền hình nhà nước Nga dành ra rất nhiều thời gian để nói về nền chính trị và người dân Mỹ, và cả các cuộc chiến tranh văn hóa của Mỹ. Có cả một đội ngũ lừa đảo của Putin được giao cho công việc tham gia điều khiển và thúc đẩy sự chia rẽ, phân cực ở người Mỹ,

Ukraine từ lâu đã đóng một vai trò đặc biệt trong các bản tin hàng đêm gây sợ hãi cho người dân Nga. Theo tuyên truyền của chính phủ Nga, Ukraine là một quốc gia giả tạo, không có lịch sử và không là một đất nước hợp pháp, một nơi mà theo lời của Putin, chỉ là “một mảnh đất phía tây nam” của Nga, một phần của “lịch sử, văn hóa và linh hồn Nga.” Tệ hơn, Putin còn nói, đất nước giả tạo này đã bị các cường quốc phương Tây kiểm soát , bị vũ khí hóa, lầm lạc sai đường và sẽ hóa thân thành một tổ chức thù địch “chống Nga”. Xâm lược Ukraine là để bảo vệ Nga. Như những người kulaks trước đây, Ukraine phải bị loại bỏ không chút thương xót.

Putin nói với dân như vậy!

Con người ta có thể xúc phạm nhau, hạ nhục, thoá mạ nhau bằng từ ngữ căm thù mà không giết nhau. Nhưng khi đã quá quen thuộc với việc sử dụng ngôn ngữ diệt chủng thì hậu quả hành động của con người ta rất khó lường. Tất cả những cuộc diệt chủng trước giờ trong lịch sử đều xuất phát từ sự chuẩn bị bằng ngôn ngữ hăm dọa, căm thù, giết chóc. Sự tuyên truyền hiện giờ của nhà nước Nga đã chuẩn bị cho người Nga một sự thờ ơ, không còn chút thương cảm đối với Ukraine.

Họ đã thành công. Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, rõ ràng là quân đội Nga đã có kế hoạch giết hàng triệu thường dân, làm cho họ bị thương hoặc phải bỏ nhà ra đi. Chưa có thành phố nào bị tấn công trong lịch sử lại bị tàn phá chỉ vài ngày sau khi cuộc tấn công bắt đầu như vậy. Ở Ukraine, vào tuần đầu tiên của cuộc chiến, tên lửa và pháo của Nga đã không từ một nơi nào, họ nhắm vào các khu chung cư, bệnh viện và trường học. Khi chiếm đóng, lính Nga đã sát hại cả nhân viên chính phủ Ukraine lẫn dân thường. Khi quân đội Ukraine tái chiếm Bucha, ở phía bắc Kyiv, họ tìm thấy những xác chết bị trói tay sau lưng, nằm trên đường. Khi có mặt ở đó vào giữa tháng Tư, tôi nhìn thấy nhiều người đã bị ném vào một ngôi mộ tập thể. Chỉ trong ba tuần đầu tiên của cuộc chiến, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi lại rất nhiều các trường hợp hành quyết nhanh, hãm hiếp và cướp bóc hàng loạt tài sản của người dân.

Mariupol, một thành phố dân chúng nói tiếng Nga, rộng khoảng Miami, đã bị tàn phá gần như hoàn toàn. Trong một cuộc phỏng vấn đầy ấn tượng vào cuối tháng 3, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, lưu ý rằng trong các cuộc xung đột ở châu Âu trước đây, những người chiếm đóng đã không phá hủy mọi thứ, bởi vì bản thân họ cần một nơi nào đó để nấu nướng, ăn uống, giặt giũ; trong thời gian Đức Quốc xã chiếm đóng, “các rạp chiếu phim vẫn hoạt động ở Pháp.” Nhưng Mariupol thì khác: “Mọi thứ đã cháy hết.” 90% các tòa nhà đã bị phá hủy chỉ trong vòng vài tuần. Một nhà máy luyện thép khổng lồ mà quân Nga muốn kiểm soát đã hoàn toàn bị san phẳng. Vào lúc cao điểm của cuộc giao tranh, dân thường bị mắc kẹt trong thành phố, không có thức ăn, nước uống, điện, sưởi, và thuốc men. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em chết vì đói khát. Những người cố gắng trốn thoát đã bị bắn theo. Những người bên ngoài cố gắng mang tiếp tế cũng bị nã súng vào. Thi thể của những người thiệt mạng, cả thường dân Ukraine và binh lính Nga, nằm trên đường phố nhiều ngày không được chôn cất.

Tuy nhiên, ngay cả khi những tội ác này được phơi bày trước toàn thế giới, chính quyền Nga đã che giấu được dân Nga thảm kịch này: bởi vì như đã xảy ra trong quá khứ, ngôn từ chính phủ dùng cho tuyên truyền bao lâu nay đã có ích cho họ. Đa số người Nga không còn lòng thương xót.

Các đoạn ghi âm cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa binh sĩ Nga và gia đình cho thấy họ có đầy sự khinh miệt đối với người dân Ukraine. Một người lính nói với một người phụ nữ, có lẽ là vợ hoặc chị của anh ta: “Tôi đã bắn vào một chiếc xe.”

“Cứ bắn hết những đứa khốn kiếp đó đi,” cô ta đáp lại, “ Mẹ kiếp bọn chúng, cái đám nghiện ma túy và bọn phát xít chết tiệt đó!” Họ nói về việc ăn cắp tivi, uống rượu cognac, và những vụ bắn người trong các khu rừng. Họ không quan tâm đến thương vong, ngay cả thương vong về phía họ. Liên lạc vô tuyến giữa các binh sĩ Nga tấn công dân thường ở Bucha cho thấy họ lạnh lùng bất nhân. Tổng thống Zelensky thật sự kinh hoàng trước sự thờ ơ của người Nga khi họ đề nghị gửi một số túi rác để người Ukraine bọc xác những người lính Nga: “Ngay cả khi một con chó hay một con mèo chết, người ta cũng không làm như thế,” ông nói với các nhà báo.

Tất cả những điều này – sự thờ ơ với bạo lực, sự thản nhiên vô nhân đạo trước việc giết người hàng loạt, thậm chí là sự coi thường mạng sống của những người lính Nga – là điều quen thuộc đối với bất kỳ ai biết lịch sử Liên Xô. Nhưng dân Nga và binh sĩ Nga hoặc không biết lịch sử đó hoặc không quan tâm. Tổng thống Zelensky đã nói với tôi rằng, giống như “những người nghiện rượu không bao giờ thừa nhận họ nghiện rượu”, những người Nga này “sợ phải công nhận mình có tội”. Không có sự hối cải nào sau nạn đói ở Ukraine, hay trại tập trung Gulag, hay Đại khủng bố năm 1937–38, không khi nào thủ phạm bày tỏ chính thức sự ân hận.

Bây giờ chúng ta đã thấy. Ngoài những thiểu số hướng thiện như các nhà văn Kravchenko và Kopelev, hầu hết người Nga tin vào những điều nhà nước tẩy não họ trong quá khứ và cả hiện tại.

Kulaks không phải là con người; họ là một thứ rác rưởi, người ta đã được nhồi sọ như thế.

Và bây giờ, đa số dân Nga tin rằng dân Ukraine không phải là con người; mà là phát xít!

https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/2868940073251779/

Be the first to comment

Leave a Reply