Thomas L. Friedman, The New York Times
26/04/2022
Dịch Giả: Nguyễn Bình Phương
Hôm nay, tôi đang nghĩ về ba con người mà hành vi của họ có thể có tác động đáng kể đến thế giới trong những tháng tới và có thể là nhiều năm tới: một chiến sĩ vô danh, một chính trị gia vô liêm sỉ và một nhà lãnh đạo đánh mất linh hồn.
Tôi ngưỡng mộ người thứ nhất; khinh bỉ cho người thứ hai; và người thứ ba phải mãi mãi được biết đến như một tội phạm chiến tranh.
Chiến sĩ vô danh là hàng chục nghìn người Ukraine – những người mặc quân phục và những thường dân – đang bảo vệ nền dân chủ non trẻ của đất nước họ chống lại nỗ lực man rợ của Vladimir Putin đang muốn xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ.
Cho dù đó là những người lính được huấn luyện chuyên nghiệp hay là những cụ bà sử dụng điện thoại thông minh để thông báo tọa độ của xe tăng Nga đang ẩn núp trong khu rừng phía sau trang trại của họ, việc họ sẵn sàng chiến đấu và chết vô danh để bảo vệ tự do và văn hóa Ukraine là sự bác bỏ tận cùng trước tuyên bố của Putin rằng Ukraine không phải là một quốc gia “thực sự” mà chỉ là một phần không thể thiếu trong “không gian lịch sử, văn hóa và tinh thần của riêng Nga”. Chúng ta không biết tên của họ – tôi không thể kể tên một vị tướng Ukraine nào, mặc cho tất cả những thành công của họ cho đến nay – nhưng những việc làm của họ đã cho Putin thấy rằng đất nước mà họ đang chiến đấu để bảo vệ là rất thực sự, rất đặc biệt và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nó.
Nếu các nhà lãnh đạo của Ukraine quyết định đi đến một thỏa thuận hòa bình với Nga, chúng ta nên trợ giúp họ trong các cuộc đàm phán, nhưng một khi họ còn quyết chiến đấu, chúng ta nên giúp trang bị vũ khí cho họ. Bởi vì họ không chỉ bảo vệ Ukraine, họ đang bảo vệ một châu Âu tự do và toàn vẹn – nơi mà một quốc gia này không thể nuốt chửng một quốc gia khác. Điều đó không chỉ tạo nên một châu Âu tốt đẹp hơn mà còn tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Người thứ hai mà tôi đang nghĩ đến là Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện – một người mà bây giờ chúng ta biết, đã không đủ can đảm để gắn bó với một biểu hiện dũng cảm thoáng qua hồi năm ngoái của chính ông ta.
Nhờ vào tường trình của các đồng nghiệp của tôi tại báo Times là Jonathan Martin và Alexander Burns, chúng ta có thể đánh giá đầy đủ mức độ hèn nhát của McCarthy qua bốn hoạt cảnh:
Hoạt cảnh 1: Martin và Burns trích lời McCarthy đã nói với các đồng nghiệp Cộng hòa cảm nghĩ của ông về Tổng thống Donald Trump ngay sau cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021. McCarthy nói: “Tôi đã quá mệt mỏi với gã này” và mô tả hành động của Trump vào ngày 6/1 là “tàn bạo và hoàn toàn sai trái.” McCarthy nói, Trump có khả năng bị luận tội, vì vậy ông định đề nghị với Trump rằng “ông nên từ chức.”
Hoạt cảnh 2: Sau khi những tiết lộ này được công bố vào sáng thứ Năm tuần trước, McCarthy đã đưa ra một bản tuyên bố nói rằng “những gì báo The New York Times tường trình về tôi là hoàn toàn ngụy tạo và sai trái.”
Hoạt cảnh 3: Đêm hôm đó, nhờ một đoạn ghi âm bị rò rỉ được đăng bởi báo Times và được phát sóng trên chương trình MSNBC của Rachel Maddow, cả thế giới đã được nghe McCarthy nói với một hội nghị lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày 10 tháng 1 rằng ông ta dự định sẽ nói với Trump rằng vụ đàn hặc ông ta “sẽ được thông qua và khuyến nghị của tôi là ông ta nên từ chức” – chính xác những gì McCarthy đã vừa phủ nhận chỉ vài giờ trước đó.
Hoạt cảnh 4: Thay vì xin lỗi các cử tri của mình và dân chúng Mỹ vì đã nói dối, McCarthy đã gọi điện cho Trump để phân bua về chuyện đó và viện các lý do tại sao ông ta vẫn nên nhận được ân sủng của Trump. Trump đã tha thứ một cách cao thượng cho kẻ liếm giày (nguyên văn: bootlicking) McCarthy trước tội nói sự thật.
Vị huấn luyện viên bóng rổ John Wooden huyền thoại của đại học UCLA thích nói rằng “phép thử thực sự về tính cách của một người đàn ông là những gì anh ta làm khi không có ai theo dõi.”
Hầu hết các nhà lập pháp muốn thế giới tin rằng khi nước Mỹ ở thế ngàn cân treo sợi tóc, họ đã nói sự thật và đứng về phía Hiến pháp để chống lại một tổng thống đang cố gắng lật đổ nó. Đó là những gì McCarthy nói riêng tư với các đồng nghiệp Cộng hòa về lập trường của ông ta.
Nhưng McCarthy sau đó đã tiết lộ tính cách thật của mình. Khi ông ta nhận ra rằng làm điều đúng đắn cho đất nước có thể khiến ông ta mất đi sự ủng hộ của Trump và ước mơ trở thành Chủ tịch Hạ viện, McCarthy đã nói dối về việc ông đã nói lên sự thật. Và thậm chí tệ hơn, khi tính cách dối trá và xấu xa của McCarthy bị vạch trần, nhiều người trong đảng Cộng hòa của ông ta đã ủng hộ ông ta.
Đây là “Chủ nghĩa McCarthy” mới – Chủ nghĩa Kevin McCarthy – nơi một chính trị gia có thể nói bất cứ điều gì, thậm chí nói dối về việc đã nói sự thật và rồi vẫn êm xuôi.
Xu hướng này cũng là một mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ giống như bất cứ điều gì Putin đang làm. Bởi vì nếu một kẻ tầm thường vô liêm sỉ và đáng xấu hổ như McCarthy có thể bán linh hồn của mình cho một số thành viên Quốc hội đủ nhiều để trở thành Chủ tịch Hạ viện, thì ông ta sẽ trở thành người đứng thứ hai, chỉ sau phó tổng thống, để lên chức tổng thống.
Và đó là một mối đe dọa bởi vì mọi thứ McCarthy và các đồng nghiệp của ông ta làm đã xóa nhòa sự khác biệt giữa hệ thống của chúng ta và hệ thống được dẫn dắt bởi một kẻ đã đánh mất linh hồn – Vladimir Putin, một kẻ cũng sẽ không ngần ngại sử dụng bất kỳ cách nào để nắm giữ quyền lực, cho dù bằng cách bỏ tù hay đầu độc những người chỉ trích như đã bị cáo buộc, hoặc đầu độc các nền dân chủ bằng thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, Putin không những bị ám ảnh và lo sợ cho việc nắm giữ quyền lực của riêng mình và sẵn sàng vi phạm bất kỳ quy tắc nào để duy trì nó, mà ông ta cũng bị ám ảnh bởi sự mất mát quyền lực, phẩm giá và sự tôn trọng của Nga – hậu quả của sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết – và ông ta thấy cần thiết phải khôi phục lại nó.
Quyết định xâm lược Ukraine liều lĩnh của ông ta được thúc đẩy bởi mong muốn ngăn chặn sự mở rộng của NATO và Liên minh châu Âu đến gần biên giới của Nga. Nhưng ông ta muốn làm điều đó theo cách bày ra cho mọi người thấy rằng phương Tây yếu và chia rẽ đến mức nào và rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự, và ông nghĩ chỉ cần một tuần là chiến được Ukraine. Những tưởng cả lớp học đã sẵn sàng và Putin sẽ dạy cho phương Tây một bài học.
Nhưng bài học mà Putin muốn dạy hoá ra bị lỗi trầm trọng. Thay vì dạy cho phương Tây – và tất cả những người Ukraine muốn trở thành một phần của phương Tây – một bài học và xóa bỏ sự nỗi nhục của Nga, Putin lại bị sỉ nhục hơn nữa.
Chúng ta cần phải bước cẩn thận với Putin – không có gì nguy hiểm hơn một kẻ độc tài bị làm nhục đến hai lần với vũ khí hạt nhân trong tay.
Putin có khả năng làm bất cứ điều gì: Khi cuộc chiến này đã tàn phá cả nền kinh tế và quân đội của Nga và Ukraine thì vị trí của Putin trong lịch sử đã được rõ ràng: Ông ta là nhà lãnh đạo đã tiêu diệt hai quốc gia để cứu lấy một thể diện – của chính ông ta. Và ông ta sẽ làm bất cứ điều gì để tiếp tục cố gắng cứu lấy thể diện của mình.
Vì vậy, đây là điểm mấu chốt của tôi: Nhiều năm trước, một cuốn tiểu sử bằng tiếng Do Thái của Ariel Sharon đã được xuất bản có tên “He Doesn’t Stop at Red Lights” (“Anh ta không dừng lại ở đèn đỏ”). Tên cuốn sách cũng phù hợp với thời đại của chúng ta. Điều khiến tôi vô cùng kinh ngạc về tình trạng thế giới ngày nay là số lượng các nhà lãnh đạo sẵn sàng hành xử vô liêm sỉ, giữa thanh thiên bạch nhật – và với cảm giác hoàn toàn không bị trừng phạt – lái xe vượt đèn đỏ. Đó là, vượt qua các rào cản luật pháp và những nguyên tắc đã giữ cho thế giới tương đối hòa bình trong 70 năm qua, một khoảng thời gian chúng ta không có cuộc chiến tranh giữa các cường quốc lớn và đã tạo điều kiện cho dân của nhiều nước nghèo thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực nhanh hơn bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử.
Chúng ta sẽ tiếc nuối nếu thời đại này kết thúc. Tuy nhiên, để duy trì nó, chúng ta cần phải giúp tất cả dân Ukraine anh hùng vô danh chiến đấu vì tự do được thành công. Và điều cần thiết là chúng ta phải đảm bảo rằng mục tiêu tìm kiếm danh vọng của Putin bằng cách đè bẹp phong trào tự do của người Ukraine phải thất bại.
Nhưng điều đó sẽ không đủ nếu tất cả các chính trị gia kia ở Mỹ, những người cũng nghĩ rằng họ có thể vượt đèn đỏ. Rồi đây ai sẽ đi theo mô hình của chúng ta nữa?
Tôi không thể nhớ ra một thời điểm nào đó trong đời mình mà tôi cảm thấy tương lai của nền dân chủ của Mỹ và tương lai của nền dân chủ trên toàn cầu lại bất định đến thế. Và đừng tự đánh lừa mình; hai tương lai đó đan xen vào nhau. Và đừng tự đánh lừa mình; cả hai đều có thể đi theo chiều này hay chiều ngược lại./.
Nguồn: A Nameless Soldier, a Shameless Politician and a Soulless Leader
Bản lưu: https://www.nguoimygocviet2020.com/2022/04/mot-chien-si-vo-danh-mot-chinh-tri-gia.html
https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/2862964243849362/
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.