Lệnh trừng phạt của thế giới bóp nghẹt nền kinh tế Nga

Van Pham

NEW YORK, New York (NV) – Sau gần hai tháng xâm lăng Ukraine, Nga bắt đầu có những biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn các lệnh trừng phạt từ phương Tây, song dường như nỗ lực của họ đã không thành khi các tác động ngày càng rõ rệt hơn, theo AP hôm Thứ Bảy, 23 Tháng Tư.

Khi phương Tây cắt đứt khả năng của Nga nhằm sử dụng các nguồn dự trữ ngoại hối, hạn chế nhập cảng các kỹ thuật quan trọng và hàng loạt biện pháp trừng phạt khác, điện Kremlin đã đưa ra một số biện pháp quyết liệt để bảo vệ nền kinh tế. Các biện pháp này bao gồm tăng lãi suất lên tới 20%, kiểm soát vốn và buộc doanh nghiệp Nga phải chuyển lợi nhuận thành đồng rúp.

Kết quả là giá trị của đồng rúp dần phục hồi sau đợt lao dốc ban đầu, và tuần trước, ngân hàng trung ương đã đảo ngược một phần lệnh tăng lãi suất. Tổng Thống Vladimir Putin tuyên bố đất nước đã chịu đựng được “hàng loạt các lệnh trừng phạt” của phương Tây.

“Chính phủ muốn vẽ lên bức tranh là mọi thứ không tệ như thực tế,” theo ông Michael Alexeev, giáo sư kinh tế tại Đại Học Indiana, chuyên nghiên cứu về nền kinh tế Nga trong quá trình chuyển đổi sau khi Liên Xô sụp đổ.

Khi có sự quan sát sâu rộng hơn, người ta thấy các lệnh trừng phạt rõ ràng đang đè nặng lên nền kinh tế Nga.

Điển hình là Nga đang chịu đợt lạm phát trầm trọng nhất trong hai thập niên. Tỷ lệ lạm phát vào tháng trước lên đến 17.3%, cao nhất kể từ năm 2002. Một số công ty của Nga buộc phải đóng cửa, trong đó có nhà máy xe hơi Lada thuộc công ty Avtovaz của Nga.

Thị trưởng Moscow nói rằng 200,000 người ở Moscow thất nghiệp do các công ty ngoại quốc ngừng hoạt động. Hơn 300 công ty đã rút lui và các chuỗi cung ứng quốc tế phần lớn đình trệ sau khi công ty container Maersk, UPS, DHL và các công ty vận tải khác rời khỏi Nga.

Chưa hết, Nga đang phải đối mặt với một vụ vỡ nợ lịch sử với trái phiếu, khiến sẽ không có nhà đầu tư nào muốn mua lại các khoản nợ của nước này trong nhiều năm tới. Nếu Nga không có được nguồn vốn hoặc nguồn cung ứng phù hợp theo thời gian, nhiều nhà máy và doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Một cửa hàng đổi tiền ở Moscow. (Hình minh họa: Alexander Nemenov/AFP via Getty Images)

https://www.facebook.com/1446163475/posts/10227972121555488/

Be the first to comment

Leave a Reply