Phó Tổng Thống Walter Mondale, người cứu vớt thuyền nhân VN

Van Pham

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tên tuổi và công lao của ông Walter Mondale, đảng Dân Chủ và TNS Joe Biden cũng sẽ được nhớ mãi cùng với sự lớn mạnh của các cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta.

Bài viết này trả lời cho những luận điệu phủ nhận, bịa đặt của lủ cầm chuông chụp mũ đảng DC là từ chối nhận người tỵ nạn.. là thiên tả, là XHCN v.v…


Phó Tổng Thống Walter Mondale, người cứu vớt thuyền nhân
Hiếu Chân/Người Việt

Ông Walter Frederick “Fritz” Mondale, cựu phó tổng thống Hoa Kỳ, vừa từ giã cõi đời ở quê nhà Minneapolis, Minnesota, hôm Thứ Hai, 19 Tháng Tư, hưởng thọ 93 tuổi.

Chính trị gia hàng đầu có tư tưởng cấp tiến Walter Mondale đã để lại nhiều dấu ấn trong xã hội Mỹ, nhưng với người Việt Nam tị nạn ở khắp thế giới, ông sẽ luôn được nhớ tới như một ân nhân lớn, một trong những người đã mở cánh cửa tự do cho hàng triệu người Việt đã liều mình từ bỏ quê hương vừa bị mất vào tay Cộng Sản, đang lênh đênh trên biển cả hoặc tuyệt vọng trong các trại tị nạn khắp Đông Nam Á. Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ ông và cầu mong hương linh ông sớm siêu thoát vào cõi vĩnh hằng.

Walter Mondale – chính trị gia cấp tiến

Walter Mondale là một trong số ít chính trị gia hàng đầu của đảng Dân Chủ, từng là ứng cử viên của đảng ra tranh chức tổng thống Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử năm 1984 nhưng thất bại trước liên danh đảng Cộng Hòa của các ông Ronald Reagan và George H.W. Bush.

Trước đó, ông là phó tổng thống dưới quyền Tổng Thống Jimmy Carter nhiệm kỳ 1977-1981. Khởi nghiệp là người lính bộ binh trong quân đội Hoa Kỳ tham gia Chiến Tranh Triều Tiên 1951-1953, ông học luật, trở thành luật sư, bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Minnesota (1960-1966) rồi hoạt động chính trị với tư cách thượng nghị sĩ liên bang đại diện tiểu bang Minnesota từ năm 1966 đến khi ông từ giã Thượng Viện để sang Tòa Bạch Ốc năm 1977.

Thời gian ở Thượng Viện, ông Mondale là người khởi xướng hoặc bảo trợ nhiều đạo luật quan trọng về bảo vệ người tiêu dùng, chính sách nhà ở công bằng, cải cách thuế má và xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong trường học. Ông ra tranh cử tổng thống năm 1984 với đường lối chấm dứt chạy đua vũ khí nguyên tử, tu chính Hiến Pháp để bảo vệ quyền bình đẳng (equal rights), giảm nợ công của Hoa Kỳ và tăng thuế lên những thành phần giàu có.

Ông cũng ủng hộ mạnh mẽ các đề nghị mở rộng chăm sóc y tế và chăm sóc trẻ em, cùng nhiều chương trình xã hội khác. Ông Mondale cũng là người đầu tiên trong lịch sử chọn một phụ nữ, Dân Biểu Geraldine A. Ferraro của tiểu bang New York, làm người đứng cùng liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống.

Ông thất bại nhưng một số chủ trương của ông – cũng là đường lối chính trị cốt lõi của đảng Dân Chủ – đang được Tổng Thống Joe Biden tiếp thu và thực thi hiện nay. “Cả đời tôi, tôi làm việc với ý tưởng rằng chính phủ có thể là một công cụ cho tiến bộ xã hội. Chúng ta cần sự tiến bộ đó. Sự công bằng đòi hỏi như vậy,” ông nói với báo The New York Times năm 2010.

Từ giã chính trường, ông trở về với nghề luật sư và tham gia giảng dạy tại Trường Hành Chính Công Hubert H. Humphrey của đại học Minnesota University – ngôi trường mang tên người dẫn dắt về chính trị cho ông, Phó Tổng Thống Hubert Humphrey.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn

Ông Walter Mondale – cùng với Tổng Thống Jimmy Carter – lên cầm quyền vào thời điểm nước Mỹ bắt đầu suy thoái sau thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tai tiếng Watergate dưới thời Tổng Thống Nixon.

Sự kiện Sài Gòn thất thủ ngày 30 Tháng Tư, 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản đã góp phần chôn vùi sự nghiệp chính trị của Tổng Thống Gerald Ford, đồng thời nước Mỹ chứng kiến chuỗi ngày kinh tế đình trệ, nạn thất nghiệp tăng vọt, lạm phát ở mức hai con số; nguồn cung cấp xăng dầu bị ảnh hưởng của các biến động ở Trung Đông khiến người dân Mỹ phải xếp hàng vài dãy phố để mua xăng với giá cao ngất ngưởng…

Trong lúc đó, cuộc khủng hoảng “thuyền nhân Việt Nam” càng lúc càng bi thảm, gây chấn động lương tâm nước Mỹ, đòi phải có giải pháp.

Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, Bộ Ngoại Giao đã cảnh báo Quốc Hội Hoa Kỳ rằng người Cộng Sản chiến thắng sẽ trả thù những người Việt Nam đã ủng hộ người Mỹ trong cuộc xung đột. Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, khoảng 125,000 người tị nạn Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trong các cuộc di tản do Hoa Kỳ tổ chức và tài trợ. Nhưng sau đó, từ năm 1976 đến năm 1978, Hoa Kỳ từ chối tiếp nhận các cá nhân Việt Nam trừ trường hợp đoàn tụ gia đình.

Nhưng dưới ách cai trị tàn bạo của một “bên thắng cuộc” đang tìm mọi phương cách phi nhân nhất để trả thù bên bại trận, người Việt Nam bao gồm các cựu quân nhân, quan chức chính phủ và gia đình của họ không có lựa chọn nào khác là phải bỏ nước ra đi, nhất là sau khi hàng triệu quân, dân, cán, chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị trừng phạt trong các trại cải tạo từ Nam chí Bắc; nhà cửa bị tịch thu, sinh kế và học hành bị bóp nghẹt, vợ con bị đày vào các vùng “kinh tế mới” giữa núi rừng lam chướng.

Những khổ nạn của người Việt vượt biển trên những con thuyền cũ kỹ chở hàng trăm phụ nữ và trẻ em, cùng số phận mịt mù của họ trong các trại tị nạn được dựng lên vội vã ở Đông Nam Á được truyền hình Hoa Kỳ trình chiếu đến từng nhà đã gây sốc cho toàn xã hội Mỹ. Ngay sau khi trở thành phó tổng thống (1977 – 1981), ông Walter Mondale đã tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo vô tiền khoáng hậu đó khi ông đến các trại tị nạn ở Thái Lan năm 1977, nơi tràn ngập những người cần thức ăn và chỗ ở.

Kế hoạch cứu vớt thuyền nhân

Từ Thái Lan trở về, Phó Tổng Thống Mondale và những người khác bắt đầu lên kế hoạch giúp đỡ người tị nạn. Ông đề nghị mở lại chính sách tiếp nhận người tị nạn Việt Nam đã từng cộng tác với người Mỹ, tăng gấp đôi số người tị nạn được phép tái định cư tại Hoa Kỳ lên 14,000 người mỗi tháng. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ chi hàng triệu đô la để xây dựng các trại tị nạn tạm thời an toàn và vệ sinh ở Philippines và các nơi khác.

Một phần khác thường trong kế hoạch của ông Mondale là thuyết phục Hải Quân Hoa Kỳ biến các thủy thủ và tàu của họ trong Hạm Đội Sáu ngoài khơi bờ biển Đông Nam Á thành một đoàn cứu hộ, nhằm cứu vớt những người tị nạn trên biển.“Đó là một bước đầu tiên độc đáo. Quân đội không muốn làm việc đó. Họ nói,’’Chúng tôi ở đây để chiến đấu; chúng tôi không phải là một tổ chức nhân đạo,’” ông Mondale nói với trang mạng MPRNews của Minnesota.

Cũng nên lưu ý rằng dư luận Hoa Kỳ thời điểm đó không thuận lợi cho việc đón tiếp người tị nạn Việt Nam, dù đó là những người đã từng kề vai sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của Cộng Sản. Tình hình kinh tế u ám thời hậu chiến, nạn thất nghiệp cùng một số tệ nạn xã hội khác, như nạn nghiện ma túy theo chân những người lính trở về, đã làm cho dân chúng Hoa Kỳ e ngại người nhập cư, lo sợ mất công ăn việc làm và pha trộn về văn hóa.

Tổng Thống Jimmy Carter tán thành các đề nghị kế hoạch của ông Mondale, vấn đề tiếp nhận người tị nạn Đông Dương được nối trở lại, nhưng vấn đề quá lớn mà người Mỹ không thể tự giải quyết. Nhiều quốc gia cho rằng “bi kịch thuyền nhân” là do Hoa Kỳ tạo ra sau khi quyết định từ bỏ miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản, do vậy một mình Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm.

Cuối cùng, chính quyền Carter-Mondale quyết định yêu cầu Liên Hiệp Quốc đứng ra chủ trì một giải pháp cho cuộc khủng hoảng; một hội nghị quốc tế đặc biệt về người tị nạn được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày Thứ Bảy, 21 Tháng Bảy, 1979, theo yêu cầu của Washington.

Và bài diễn văn lịch sử trước Liên Hiệp Quốc

Không giống như rất nhiều nỗ lực quốc tế lớn khác, hội nghị này không được sắp xếp trước. Phó Tổng Thống Mondale cảm thấy thất vọng khi phát biểu trước các đại biểu của Liên Hiệp Quốc, trước những quan chức ngoại giao mà ông thấy: “Họ ngồi đó như những người sắm vai phụ trong một bộ phim, các diễn giả đến rồi đi mà họ vẫn ngồi như kẻ bị hôn mê!”

Và ông đã đánh thức họ dậy bằng một bài diễn văn gây xúc động sâu sắc, nhờ nỗ lực của Martin Kaplan, người soạn diễn văn cho phó tổng thống.

Mở đầu bài diễn văn, ông Mondale nhắc lại một hội nghị khác của Liên Hiệp Quốc được tổ chức cách đó 41 năm, cũng tại Evian gần Geneva khi Đệ Nhị Thế Chiến chuẩn bị bùng nổ. Các đại biểu dự hội nghị năm 1938 đã không đồng ý được kế hoạch giải cứu người Do Thái trước sự truy lùng và đàn áp của Adolf Hitler và hậu quả là hàng triệu người Do Thái đã mất mạng trong các phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã.

“Tại hội nghị đó, nếu mọi quốc gia đồng ý chấp nhận một giải pháp như mỗi nước tiếp nhận 15,000 người Do Thái, thì sẽ không có người Do Thái nào còn lại trong nước Đức đệ tam đế chế để bị đưa đến các trại tập trung,” ông Mondale nói với các đại biểu ở Geneva năm 1979. Ông nhấn mạnh rằng các đại biểu trước đó của Liên Hiệp Quốc đã “thất bại trong cuộc thử nghiệm về nền văn minh” mà cái giá phải trả là vụ diệt chủng người Do Thái ở khắp Châu Âu. “Thế giới văn minh đã ẩn mình trong lớp áo choàng của luật pháp, và kết quả là Holocaust,” ông Mondale nói.

Ông Mondale cho biết các đại biểu bắt đầu chú ý khi ông nói với họ rằng thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự có tầm thế giới và họ phải chọn một giải pháp mang tầm thế giới thay vì đổ hết trách nhiệm cho Hoa Kỳ.

“Tất cả chúng ta đều biết những con số thống kê nghiệt ngã, số thương vong khủng khiếp của những người tị nạn bị chính quyền Việt Nam ép buộc phải bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền cũ kỹ và không đủ tiêu chuẩn đi biển,” ông Mondale nói với hội nghị. So sánh tình cảnh của người tị nạn Việt Nam với người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến, sự tàn ác của chính quyền Cộng Sản Việt Nam với phát xít Đức, ông kêu gọi thế giới văn minh phải hành động trước khi quá muộn.

“Lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta thất bại. Lịch sử sẽ không quên chúng ta nếu chúng ta thành công,” ông Mondale kết thúc bài diễn văn lịch sử, bạn đọc có thể xem lại toàn văn tiếng Anh của bài diễn văn qua lời kể của người soạn thảo Martin Kaplan tại địa chỉ: www.huffpost.com/entry/the-best-speech-i-ever-wr_b_247918.

Cả hội trường im lặng sau câu nói sau cùng của ông Mondale, và sau đó các đại biểu Liên Hiệp Quốc, bình thường vốn nghiêm nghị, đã đồng loạt đứng lên hoan nghênh nhiệt liệt.

Khi các quốc gia cùng tham gia vào kế hoạch giải cứu thuyền nhân Việt Nam, điều kiện trên biển và trong các trại tị nạn cho thuyền nhân bắt đầu được cải thiện. Nhưng cuộc khủng hoảng quá sâu và số lượng người bị ảnh hưởng quá lớn, khiến công việc phải kéo dài nhiều năm. Cuối cùng, hầu hết những thuyền nhân Việt Nam trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á đã được các quốc gia từ Bắc Mỹ đến Âu Châu và Úc tiếp nhận, cưu mang và hình thành những cộng đồng người Việt quốc gia ở khắp nơi trên thế giới.


Phó Tổng Thống Walter Mondale (5 Tháng Giêng, 1928 – 19 Tháng Tư, 2021) ra đi vào lúc cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ tưởng niệm 46 năm ngày miền Nam thất thủ. Những hồi ức về những ngày cuối cùng của chế độ Cộng Hòa, về chặng đường sinh tử vượt biển tìm tự do lại được nhắc nhở cho các thế hệ sau để không ai bị lãng quên, không gì bị lãng quên.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tên tuổi và công lao của ông Walter Mondale cũng sẽ được nhớ mãi cùng với sự lớn mạnh của các cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta.

  • Cựu Phó Tổng Thống Walter Fritz Mondale. (Hình: Anthony Souffle/Star Tribune via AP, File)
  • Hình chụp ngày 13 Tháng Giêng, 2018, cựu Phó Tổng Thống Walter Fritz Mondale (trái) và cựu Tổng Thống Jimmy Carter. (Hình: Anthony Souffle/Star Tribune via AP, File)

https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/2856710651141388/

Be the first to comment

Leave a Reply