Putin và phe đảng của ông ta đã rất giỏi trong việc tẩy não dân Nga qua tuyên truyền. Theo thống kê, có ít nhất 70% dân Nga ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Tuy vậy, rất nhiều trí thức và thanh niên Nga tích cực chống lại cuộc chiến này. Đây là câu chuyện của họ.
Bài dịch của Thụy Mân.
Hàng nghìn người Nga trẻ tuổi, lên tiếng phản đối chiến tranh bằng cách chạy trốn khỏi nước Nga, đến các thành phố như Istanbul, Thổ nhĩ Kỳ. Putin đã liệt họ là “thành phần phản quốc”.
Bài viết của ULIANA PAVLOVA
04/07/2022
(Uliana Pavlova là một nhà báo tự do từng làm việc trước đây ở Moscow.)
ISTANBUL – Tại một nhà trọ nằm trên một con đường lát đá không xa các nhà thờ Thiên chúa giáo và nhà thờ Hồi giáo của Istanbul, một thanh niên người Nga tên là Misha đang hút thuốc trên ban công.
Misha nghỉ việc bồi bàn trong một tiệm ăn vào ngày Nga xâm lược Ukraine, anh thu xếp hành lý gấp gáp và rời Moscow mà không biết ngày về. Chỉ mới 24 tuổi, trong vài tuần gần đây, anh đã thuê một giường tầng trong một phòng trọ cùng với ba thanh niên khác với giá 10 đô la một đêm. Anh ta ước tính với số tiền hiện có, sẽ đủ sống khoảng một tháng.
“Tôi đã quyết định mà không cần suy nghĩ kỹ – Chỉ vậy thôi,” anh nói, “tôi 24 tuổi, có đầy đủ tay chân, không dốt nát, chắc cũng không đến nỗi chết đói.”
Misha không phải là người đi đây đi đó nhiều; thực sự đây là lần đầu tiên anh rời khỏi nước Nga. Khi được hỏi điều gì khiến anh ngạc nhiên nhất về cuộc sống bên ngoài nước Nga, anh nói: “Tôi không có cảm giác sợ hãi khi cảnh sát đi ngang, ngay cả khi họ đang có súng. Tôi cảm thấy an toàn”.
Misha nói với tôi rằng anh đã mất niềm tin vào nước Nga. Vladimir Putin trở thành tổng thống khi anh chỉ mới chập chững biết đi, cả cuộc đời anh đã sống ở đất nước Nga mà Putin xây dựng lên trong suốt 22 năm cầm quyền. Năm ngoái, Misha tham gia các cuộc biểu tình để ủng hộ nhân vật đối lập Alexei Navalny, người đã bị Putin bỏ tù sau khi lãnh đạo một phong trào ủng hộ dân chủ, đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng lớn của Putin và
phe nhóm của ông ta. Trong những tháng gần đây, chính phủ Nga tăng cường đàn áp phe đối lập và các phương tiện truyền thông độc lập.
Misha nói “Ngay cả trước khi cuộc chiến này bắt đầu, tôi đã tham dự các cuộc biểu tình của Navalny và nhiều sự kiện chống đối khác và nhận thấy rằng những cuộc biểu tình đó không mang lại kết quả nào! Dù chúng tôi có cố gắng đến đâu, chính phủ vẫn tiếp tục siết càng ngày càng chặt hơn”.
Để phản đối cuộc chiến ở Ukraine, một số thanh niên lớn lên ở nước Nga trong thời Putin, đang bỏ trốn ra khỏi nước. Khi việc phản chiến ở Nga bị chính phủ cho là tội phạm, một số người đã phải chạy trốn và thực sự trở thành dân tị nạn vì Putin thẳng tay đàn áp những người đối lập và người thuộc truyền thông báo chí. Một số nữa là trí thức lưu vong, những người này không còn muốn sống trong một đất nước đi xâm lược láng giềng hoặc ủng hộ một tên độc tài.
Hàng chục nghìn người đã đến Istanbul vì các chuyến bay của Nga có thể đến được Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần đi vào không phận châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ không đòi hỏi người Nga phải có visa để đến đây.
Do vậy giờ đây người ta có thể nghe tiếng Nga trên đường phố và trên các hàng dài sắp hàng để xài máy ATM – vì thẻ tín dụng của Nga đã bị vô hiệu hóa, những người tị nạn Nga đang sống nhờ vào các khoản tiền mặt rút ra được từ máy ATM. Bên trong các cửa hàng cà phê, bạn có thể nghe lỏm người Nga chỉ vẽ cho nhau những nơi thuê nhà giá rẻ, cách mở tài khoản ngân hàng hoặc những nơi tốt nhất để đổi tiền.
Theo luật Thổ Nhĩ Kỳ, họ chỉ được ở 90 ngày. Điều gì sẽ xảy ra với họ tiếp theo là chủ đề câu chuyện trong các quán cà phê, quán rượu và hành lang ký túc xá, nơi họ cũng tụ tập để thảo luận về các diễn biến chính trị ở quê hương. Hầu hết mọi người vẫn còn bạn bè và gia đình ở lại Nga.
Thế hệ trẻ lớn lên trong thời kỳ hậu Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Putin chứng kiến nhiều biến động đáng kinh ngạc. Họ đi ăn ở McDonald’s, đọc Harry Potter và nhảy múa theo Rihanna. Không như cha mẹ mình, họ không biết cuộc sống đằng sau Bức màn sắt ra sao và họ cũng chẳng muốn tìm hiểu.
Và Putin cũng không muốn những kẻ tự chọn sống lưu vong sa vào con đường chống lại đất nước Nga. Trong một bài phát biểu trên TV, Putin đã lên án những người Nga có tâm lý phương Tây là “những kẻ phản bội quốc gia”, những người không thể sống thiếu “hải sản và tự do giới tính”.
Tôi ( Uliana Paclova ) cũng là một phần của thế hệ này. Tôi là một ký giả tự do và đến Istanbul khi có tin rõ ràng cho thấy việc viết lách của tôi có thể gặp nguy hiểm nếu tôi ở lại Nga.
Tôi không ngờ giờ mình lại có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ như vậy.
Trong tuần đầu tiên ở Istanbul, tôi ngồi cạnh một cặp đến từ Saint Petersburg trong một quán cà phê nhỏ. Tôi xin phép phỏng vấn, và họ đồng ý.
Nastya Mez, 26 tuổi và Igor Timofeenko, 28 tuổi, đều cùng quê Rostov-on-Don, một thành phố phía tây nam chỉ cách biên giới với Ukraine một giờ đi xe; gia đình của họ nói giọng miền nam, nghe giống như sự pha trộn giữa cách phát âm tiếng Ukraina và tiếng Nga. Trong vài năm gần đây, họ sống ở Saint Petersburg, thành phố lớn thứ nhì của Nga.
Igor mỉm cười cay đắng “Cha tôi không liên lạc với tôi nữa sau khi chúng tôi chạy đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nghĩ tôi là một phần tử phản quốc, cha tôi đã bị truyền hình tẩy não và cho rằng người Ukraine là phát xít, mặc dù họ của chúng tôi là Timofeenko, gốc Ukraine”
Tôi được nghe những câu chuyện tương tự từ những người Nga trẻ tuổi khác đã gặp. Khi Misha cho cha biết anh đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, cha anh im lặng và cúp phone, từ đó không nói chuyện với anh nữa.
Misha nói “Cả cuộc đời cha tôi không hứng thú với bất cứ điều gì. Ông ngồi trong phòng cả ngày và xem TV, ông lắng nghe một trong những tay tuyên truyền rất hiệu quả cho Putin là Vladimir Solovyov. Tôi đề nghị với ông: ‘ Cha ơi, con sẽ xem Solovyov nói chuyện trong một giờ đồng hồ với cha, và sau đó đến lượt con, cha hãy xem nhà đối lập Navalny trên YouTube với con trong 10-15 phút.” Và cha tôi nói rằng coi làm gì mấy chuyện quỷ sứ đó, ông cho rằng Internet rất tệ hại”
Khi mẹ Misha nhờ anh sửa điện thoại, Misha đã đăng nhập chương trình Telegram của Navalny và tổ chức của ông ấy vào phone của mẹ.
Đối với cả Igor và Misha, những lo ngại về kinh tế cũng đóng một vai trò lớn trong quyết định bỏ trốn của họ. Họ lo sợ những điều tệ hại sẽ xảy ra với Nga khi nền kinh tế của nước này bị vùi dập bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có và Nga sẽ ở bên bờ vực vỡ nợ lớn lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Igor nói “Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ no đủ của những năm 2000. Chúng tôi vẫn nhớ thời kỳ dân chúng trở nên giàu có, khi mức lương trung bình hàng tháng ở các thành phố với dân số hơn một triệu người là khoảng 1.000 đô la. Bây giờ thật khó để tưởng tượng được điều này, ”
Hiện giờ ở Nga giá cả đang tăng vọt, đồng rúp mất giá và các cửa hàng đang cạn kiệt các mặt hàng thiết yếu như đường và các món hàng vệ sinh cho phụ nữ.
Nastya nói “Đáng buồn thay, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng gây ảnh hưởng đến những người phản đối Putin và không muốn ở lại Nga, không muốn đóng thuế để ủng hộ chế độ này,”
Khi tôi hỏi họ liệu họ có gặp phải trường hợp kỳ thị người Nga ở ngoại quốc không, thì Nastya đã trả lời rất sắc bén: “Không nơi đâu người Nga bị đối xử tệ bạc như ở Nga”.
Như Putin đã lo sợ, những thanh niên lưu vong Nga đang tiếp tục phản đối chiến tranh từ bên ngoài đất nước. Vào tuần thứ ba của cuộc chiến, người Nga đã tập trung ở phía ngoài.một hộp đêm của Istanbul để tham dự buổi hoà nhạc đầu tiên có tên “Russian Against War”. Đây là một loạt các buổi hòa nhạc từ thiện của ca sĩ nhạc rap người Nga Oxxxymiron. Thu nhập từ các buổi hòa nhạc này sẽ được gởi đến các tổ chức từ thiện phi chính
phủ NGO để giúp đỡ người tị nạn Ukraine.
Oxxxymiron, chính là Miron Fyodorov, đã mê hoặc quần chúng nói tiếng Nga bằng những ca từ thông minh mà đôi khi nghe giống như tuyên ngôn chính trị. Gia đình anh gốc Do Thái, họ đã chạy trốn khỏi nước Nga Xô Viết vào những năm 1980, và anh đã trải qua một nửa thời thơ ấu của mình ở phương Tây. Sau khi tốt nghiệp ĐH Oxford, anh trở về Nga và những buổi biểu diễn nhạc rap của anh đã có hàng triệu lượt xem trên YouTube.
Hầu hết số người trong đám đông này là những người Nga sành điệu, xuất thân từ nhóm trung lưu thành thị, dưới 30 tuổi. Một số thậm chí còn mang theo cả những tấm áp phích phản chiến. Trong buổi biểu diễn, những người di cư đã hô to : “Phản đối chiến tranh”, “Ukraine muôn năm” và “Putin Huylo” – một câu tục tĩu phỉ báng Putin. Nói cho
chính xác thì đây là những từ ngữ mà Putin không hài lòng. Và họ thì cũng chẳng ưa gì ông ta.
Alexander Salin, 25 tuổi, một chuyên viên IT đến từ Saint Petersburg, mang theo một lá cờ Ukraine nói với tôi ở buổi hòa nhạc “Tôi mong mỏi cái ngày mà mọi sự sẽ kết thúc, tay độc tài sẽ chết và tôi có thể quay về đất nước của mình”
Bạn gái của anh lặng lẽ đứng cạnh anh và trông có vẻ rất lo sợ khi Salin bày tỏ quan điểm chính trị của mình với một nhà báo. Salin cho biết anh là một người ủng hộ nhà đối lập Navalny và cũng đã quyên góp cho Tổ chức Chống Tham nhũng của những người chống đối Kremlin, mà chính quyền Nga xem là một tổ chức cực đoan.
“Tôi hy vọng những người như tôi sẽ có ích ở châu Âu hoặc những nơi khác và hy vọng sẽ không có sự kỳ thị người Nga,” Salin nói với tôi.
Tại buổi hòa nhạc, tôi cũng gặp gỡ những người đến từ Kazakhstan, Belarus, Ukraine và Nga, như thể những người trẻ tuổi của các nước hậu Xô Viết đã cùng nhau vượt qua ranh giới của chủ nghĩa dân tộc Nga để thể hiện tình anh em của các quốc gia từng được Liên Xô bảo bọc.
Một số người tham gia buổi hòa nhạc là người Ukraine. Lera, 23 tuổi và Stasya, 24 tuổi, nói với tôi rằng họ đến từ Dnipro, Ukraine. Cả hai phụ nữ trẻ đều đã đến Istanbul vài tháng trước khi chiến tranh bắt đầu.
“Chúng tôi bị khủng hoảng và kinh hoàng trước những gì đang xảy ra,” Stasya nói với tôi.
Mẹ của Stasya đã đến được Istanbul với cô một tuần trước, trong khi gia đình của Lera vẫn còn ở Dnipro. Không giống như Kharkiv và Mariupol, mặc dù thành phố Dnipro đã tránh được các trận pháo kích lớn, nhưng tiếng còi báo động hàng đêm và nỗi sợ hãi vẫn khiến mọi người thức giấc.
“Ngay cả khi chúng tôi sống ở nước ngoài, chúng tôi không làm việc gì cho ra hồn, bởi vì công việc kinh doanh được kết nối với Ukraine, người thân của chúng tôi ở Ukraine, tất cả bạn bè của chúng tôi ở Ukraine, và mỗi ngày chúng tôi đều theo dõi tin tức. Lera nói rằng không thể tập trung cho bất cứ việc gì và không thể sống bình thường được.
“Con người chúng tôi đang ở đây nhưng tâm trí của chúng tôi ở cả Ukraine,” cô nói.
Khi tôi hỏi họ cảm thấy thế nào về việc đi xem một buổi hòa nhạc có người Nga xung quanh khi tên lửa của Nga đang phá hủy các khu dân cư của Ukraine, họ đã trả lời một cách nhã nhặn: “Chúng tôi không đánh giá người ta bằng hộ chiếu của họ. Giống như tất cả người dân Ukraine, chúng tôi không ghét người Nga, nhưng chúng tôi ghét những người Nga ủng hộ chiến tranh hoặc thờ ơ với cuộc chiến, ”Lera nói.
Oxxxymiron đã hủy một loạt các buổi hòa nhạc ở Nga để phản đối chiến tranh và buổi hòa nhạc ở Istanbul là buổi hòa nhạc đầu tiên mà anh dự định tổ chức ở ngoại quốc để quyên góp tiền cho nạn nhân chiến tranh. Anh chào đón khán giả từ sân khấu với khẩu hiệu “Người Nga chống chiến tranh” bằng đèn neon sáng rực sau lưng anh. Anh nhắc nhở khán giả rằng Putin đang che giấu sự thật. Và nói tiếp“Thật không may khi cha mẹ chúng ta,
và bạn bè của họ sống trong ảo tưởng này. Bạn cần giải thích cho họ vì rất có thể họ không phải là những kẻ khát máu, mà họ chỉ bị tẩy não vì xem TV quá nhiều”.
Một chủ đề chung nổi bật trong các cuộc trò chuyện của tôi với những người Nga bỏ chạy đến Istanbul: Các cuộc biểu tình trong nước không có kết quả. Đội ngũ cảnh sát của Putin quá hùng mạnh.
Pavel Gorchakov, 31 tuổi, đã phản đối chế độ của Putin trong 10 năm qua cho đến khi quyết định rời bỏ đất nước vĩnh viễn. Tôi gặp anh ở cùng một ban công nhà trọ, nơi tôi gặp Misha. Anh đã bỏ lại người vợ đang có bầu ở St.Petersburg vì cô ấy không thể đi xa. Anh đang đợi cô sinh con trước khi họ có thể đi du lịch cùng nhau sang Thái Lan và xây dựng lại cuộc sống của họ ở một quốc gia mới.
Anh ta có một bộ râu dài màu hung đỏ và trên bàn tay anh, các móng tay có hàng chữ , “KHÔNG CHIẾN TRANH”.
Trước khi quyết định bỏ trốn, Gorchakov đã từng tham gia một cuộc biểu tình phản chiến ở Saint Petersburg. Gorchakov nói với tôi “Ở một thành phố với dân số hơn 5 triệu người, mà chỉ có 200 sinh viên tham gia biểu tình, và họ bị 500 cảnh sát rượt đuổi,” anh nói thêm “Tôi không thấy nhiều người có suy nghĩ giống như tôi.”
Theo cơ quan giám sát nhân quyền độc lập OVD-Info, hơn 15.000 người Nga đã bị chính quyền bắt giữ vì tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Hình ảnh những tên lính mặc mũ che mặt kín, kéo lê dân biểu tình gồm đàn ông, phụ nữ, người già và thanh thiếu niên trên đường phố đã tràn ngập trên mạng xã hội. Nhưng với một quốc gia hơn 140 triệu dân, 15.000 người là một tỷ lệ nhỏ.
Gorchakov nói tiếp “Tôi biết rằng tôi phải ra đi, càng sớm càng tốt,” Gorchakov cũng nhớ lại kỳ biểu tình ở Bolotnaya năm 2012, đây là các cuộc biểu tình rất lớn ở Nga phản đối sự tái đắc cử gian lận của Putin và việc sửa đổi Hiến pháp để cai trị nước Nga một lần nữa sau khi ông ta đã làm TT hai nhiệm kỳ.
“Thời kỳ Bolotnaya, cảm giác rằng sự tự do đang ào ạt đến , chúng tôi đang làm thay đổi được cái gì đó . Giờ này nói với cô mà tôi còn cảm xúc đến nổi da gà. Nhưng ngay sau đó thì Vệ binh Quốc gia xuất hiện và đem xe hốt sạch cả đám”, Gorchakov nói.
Gorchakov đã nhận được những lời đe dọa nặc danh qua email, điều này cũng thôi thúc anh ta bỏ xứ ra đi nhanh hơn.
Tôi thấy rõ rằng Misha kính phục những người già dặn và có tinh thần chống đối như Gorchakov. Misha không muốn lộ tên họ của anh, bởi vì, không như Gorchakov, một chuyên gia về computer được trả lương cao, Misha đang phải vật lộn để tìm việc làm ở Thổ Nhĩ Kỳ và có thể phải quay trở lại Nga nếu hết tiền.
Gorchakov khuyến khích Misha học viết computer program. Gorchakov nói : “Tôi trạc tuổi bạn khi bắt đầu, khoảng 24-25 tuổi.
Misha trả lời,“Tôi đã từng học các lớp học trực tuyến cả ngày và, khi tôi 30 tuổi, tôi sẽ để râu và bắt đầu hút thuốc lá điện tử,” Misha nói và tất cả chúng tôi đều cười.
Trong khi chúng tôi nói chuyện , tôi nhận thấy một người đàn ông khác có mặt ở đó, lặng lẽ tham gia với chúng tôi ngoài ban công. Hóa ra anh ấy đến từ Ukraine.
Misha gợi ý, chỉ vào người đàn ông trong góc. “Sasha đến từ Kharkiv. Sao cô để yên cho Sasha mà không phỏng vấn?”
Thì ra Sasha là một người Ukraine 31 tuổi, đến Istanbul dự sinh nhật của một người bạn vào ngày 23 tháng 2. Ngày hôm sau, Nga đã bắn loạt pháo vào nơi anh ở, phá hủy khu nhà bên cạnh tòa nhà mà anh đã mua một căn trong đó cách đây ba năm. Gia đình anh hiện ở Luhansk – là một trong những khu vực ly khai thân Nga – và anh gọi điện thoại cho họ mỗi ngày.
Tôi cảm thấy hơi ngại khi hỏi anh cảm thấy thế nào khi xung quanh anh có nhiều người Nga, ở cùng một nhà trọ ở Istanbul. Sasha nói: “Ồ, họ không phải là những kẻ cuồng”, Tất cả chúng tôi đều cười thầm, xấu hổ cho những người cuồng Putin ở quê nhà, trong số đó có những người là người thân của chúng tôi.
“Bây giờ ra khỏi Nga thì bạn có thể làm gì?”
Sasha nói “Tôi phẫn nộ với những người ủng hộ chiến tranh. Họ phải chịu một phần trách nhiệm, vì họ yên lặng nghĩa là đồng tình với mọi thứ đang xảy ra. ”
Sau một lúc im lặng, cả bốn người chúng tôi trao đổi lời khuyên và kế hoạch sẽ đi đâu trong trường hợp Putin bắt đầu chiến tranh hạt nhân.
Bị mắc kẹt ở đất nước này trong 90 ngày, trên một cái ban công nhỏ bé cách quê hương hàng nghìn km, nơi đang diễn ra chiến tranh, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần nhau.
Và chúng tôi cùng cười với nhau.
https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/2848639575281829/
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.