Những nhận định về cuộc hạ sát tướng Iran của Mỹ và hệ quả

Tác giả: Hưng Phạm Ngọc.

Tổng hợp và biên tập: KL

Những nhận định về cuộc hạ sát tướng Iran của Mỹ và hệ quả.

3 tháng 1: Mỹ dùng máy bay không người lái (drone) hạ sát Qassim Suleimani

Việc Mỹ giết tướng Qassim Suleimani, tư lệnh lực lượng biệt động hải ngoại Quds (đọc là kơ:tz) của Vệ binh Cộng hoà Iran, chắc hẳn sẽ làm tăng nhiệt tranh chấp Trung Đông, nhưng khó châm ngòi chiến tranh Mỹ–Iran.

Ảnh: Tướng Qassim Suleimani.

Lý do căn bản cho dự báo đó là Mỹ đang trong xu hướng giảm can dự vào Trung Đông, còn Iran đang tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng trong vùng, hai mục tiêu đó va chạm nhưng không đối đầu.

Việc Iran đứng sau vụ tấn công đại sứ quán Mỹ tại Iraq và Mỹ trả đũa bằng việc giết tướng Suleimani đều chỉ nhằm tranh đoạt ảnh hưởng đến nền chính trị Iraq, báo hiệu sự chia rẽ Sunni–Shiite xưa nay tại Iraq tiếp tục bị bên ngoài lợi dụng khoét sâu.

Sự chia rẽ này cho thấy chính trị Iraq tiếp tục bất ổn lâu dài, và 2 thế lực kình chống dai dẳng (đang và sẽ) là Iran và Arab Saudi, còn Thổ và Israel đều toạ sơn quan hổ đấu.

Tính toán của Mỹ chỉ là làm sao đưa cả 4 nước vào thế gài kình chống nhau nhưng không thể đánh nhau, tạo ra một nền hoà bình tương đối, tuy có tranh chấp nhưng không có chiến tranh, cho phép Mỹ rút bớt quân về chuẩn bị răn đe nơi khác.

Đấy cũng là lý do giá dầu chỉ tăng 3 USD mỗi thùng chứ không biến động lớn.

6 tháng 1: Iran kéo lá huyết kỳ lên nóc thánh đường Jamkaran

Picture: Metro Grab Iran unfurls red flag of war https://twitter.com/BabakTaghvaee/status/1213447201889886211

Ảnh: Lá huyết kỳ trên nóc thánh đường Jamkaran.

Lá huyết kỳ được kéo lên nóc nhà thờ thiêng Jamkaran ở Iran không phải là lời kêu gọi báo thù của một quốc gia trước một quốc gia mạnh hơn, mà là Thánh lệnh yêu cầu tín đồ trả thù một nhà nước.

Bởi lẽ văn minh phương Tây đề cao tự do tín ngưỡng và thiết kế luật pháp để bảo vệ quyền tự do ấy, nên họ dễ đối phó với đe doạ của một quốc gia nhưng khó đối phó với tôn giáo.

Nhất là khi đe doạ đó dành cho vài cá nhân.

Tổng thống Mỹ có thể doạ leo thang đánh 52 mục tiêu nhằm đáp lại hành động trả đũa của nhà nước Iran, nhưng không thể răn đe những tín đồ cực đoan liều chết báo thù.

Thế nên, có thể Iran không đánh được Mỹ, nhưng đe doạ ám sát đối với Tổng thống Mỹ, những quan chức liên quan và gia đình họ sẽ hiện hữu thường xuyên, liên tục, kéo dài từ đời này sang đời khác.

Và chắc chắn sẽ có ai đó bị giết, ít nhiều chưa biết, lúc nào chưa biết.

Đấy mới là ý nghĩa thực sự của huyết kỳ.

7 tháng 1: Hạ sát Suleimani có làm Quds Force nói riêng và Iran nói chung suy yếu hay không?

Image result for abu bakr al-baghdadi bin laden soleimani

Ảnh, từ trái sang phải: Qassim Suleimani, Abu Bakr al-Baghdadi, và Osama bin Laden.

Trong cuộc chiến chống al Qaeda, Mỹ ráo riết săn lùng bin Laden cho tận khi hạ sát thành công.

Mỹ cũng làm tương tự với Abu Bakr al-Baghdadi, Hồi vương IS tự xưng.

Cả 2 đều có sức hút lãnh đạo, đều là đầu mối tập hợp sức mạnh của tổ chức, vì vậy được coi là “trọng tâm chính trị”.

Đấy là trường hợp hạ sát lãnh đạo dẫn tới suy tàn của tổ chức.

Nhưng trường hợp Qassim Suleimani thì không phải.

Mặc dù ông ta quan trọng, (nghe nói) có tài, nhưng Quds Force lẫn Vệ binh Cộng hoà là những thể chế đã trưởng thành và dễ dàng tìm ra người thay thế.

Chưa kể ông ta không phải là “trọng tâm chính trị”, vị trí thuộc về Đại giáo chủ Seyyed Khamenei.

Đấy là trường hợp tấn công chặt đầu rắn sẽ dẫn tới mọc đầu khác, và vì thế ý nghĩa lớn nhất chỉ mang tính răn đe tượng trưng.

Thế nên, cái chết của Suleimani sẽ không làm Quds Force suy yếu, và nếu Iran tỏ ra không sợ, thì việc hạ sát Suleimani hại nhiều hơn lợi.

Đấy đang là một thách thức của chính quyền Trump.

8 tháng 1: Iran không kích báo thù vào 2 căn cứ không quân Mỹ tại Iraq

Ảnh: Tầm bắn ước tính của hệ thống tên lửa Iran và địa điểm 2 cuộc tấn công trả thù.

AP/Reuters đều lên tin là Vệ binh Cách mạng Iran mở đầu chiến dịch báo thù “Martyr Soleimani” vào sáng nay với hàng chục quả tên lửa bắn vào căn cứ không quân Ain al Asad tại tỉnh Anbar, nơi Mỹ trú quân cho nhiệm vụ tiêu diệt IS, và một vị trí đồn trú khác ở Erbil, thủ phủ của khu tự trị Kurd.

Tin Reuters cho biết kiểm điểm ban đầu không có thương vong sau cuộc tấn công của Iran sáng nay.

Reuters cũng dẫn Đài truyền hình quốc gia Iran cho biết đã bắn tổng cộng 15 quả tên lửa, “tiêu diệt 80 tên khủng bố Mỹ”, “làm thiệt hại nhiều trực thăng và khí tài” nhưng không nói lấy thông tin bằng cách nào.

Ngay sau cuộc tấn công, Vệ binh Cộng hoà Iran cũng đưa ra cảnh báo Mỹ không nên trả đũa, đồng thời đe doạ những nước cho phép Mỹ dùng căn cứ để trả đũa cũng sẽ bị tấn công.

Như thế, đây là một lựa chọn trong 13 phương án báo thù của Iran đưa ra hôm qua, tất cả đều là tấn công công khai, trái với lối giấu mặt đằng sau các nhóm dân quân nước ngoài để dễ phủi trách nhiệm như nhiều nhà phân tích trông đợi.

Trong khi Mỹ đang chờ đợi Iran ám sát một tướng Mỹ để có thể gọi là “trả đũa công bằng” thông qua tay sai cho dễ phủi tay, thì Iran làm khác.

Họ đã chọn cách báo thù công khai là bắn tên lửa vào 2 căn cứ Mỹ, cảnh báo Mỹ không được trả đũa, đồng thời bắn tín hiệu sẽ xuống thang nếu Mỹ xuống thang.

Trong vài ngày qua, tình báo Mỹ đã theo sát mọi động tĩnh từ phía Iran, chuẩn bị đón nhận mọi tình huống tấn công vào lực lượng của mình, nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu trận tấn công tên lửa không gây thiệt hại đáng kể.

Cuộc tấn công tên lửa của Iran dường như được thiết kế để chừa các vị trí đồn trú của quân Mỹ, để vừa xoa dịu dư luận trong nước, vừa mờ đường cho Tổng thống Mỹ xuống thang.

Tuy nhiên, như một bài phân tích mới trên Foreign Policy, thì đừng vội mừng là mọi chuyện đã xong, bởi vì cuộc báo thù thật sẽ đến sau cuộc báo thù giả.

Lập luận cơ bản của bài là quân lực Iran không thể so được với Mỹ, vì thế Iran sẽ tránh chiến tranh trực diện với Mỹ bằng mọi giá, nhưng không phải vì tránh trực diện mà Iran bỏ qua mối thù.

Trong cơ cấu quyền lực thần quyền Iran, tướng Qassim Suleimani là cánh tay mặt của Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei nên việc không báo thù sẽ làm uy quyền lẫn chính danh của chính Lãnh đạo Tối cao suy yếu.

Thế nên, cuộc báo thù thật sẽ đến, được thực hiện bằng đúng thế mạnh của Quds Force là tấn công ám sát bằng các nhóm quân tay sai, bằng mạng lưới gián điệp khắp vùng, bằng năng lực chiến tranh bất đối xứng dày công xây dựng.

Như lập luận của bài báo, cuộc báo thù thật ấy sẽ đến vào nơi và lúc do Iran lựa chọn, dai dẳng, không thể tránh khỏi.

Mà cuộc chém giết đó còn chưa bắt đầu.

Kết: Từ Iran nghĩ đến Việt Nam

Sự kiện Tổng thống Trump ra lệnh hạ sát tướng Suleimani là chuyện gây tranh cãi, tuy nhiên, sự tranh cãi ấy đang biến thành cơ hội chụp mũ giữa hai phe ủng hộ và chống Trump, dù ủng hộ hay chống chẳng ăn nhập gì đến thực tiễn đời sống Việt Nam.

Thứ duy nhất liên quan, và đáng phê phán, chỉ là trò chụp mũ.

Trò đó có nghĩa là “mày/thằng/con đó trái ý tao, vì thế nó là Việt Cộng/Hán nô/cánh tả” (hay một cái mũ nào khác).

Đằng sau câu đó là tâm thế “duy ngã độc tôn”, không chấp nhận ý kiến khác mình, thậm chí “phải sỉ nhục” không để kẻ đó mở miệng.

Tâm thế đó đi ngược quyền tự do biểu đạt, vốn là giá trị căn bản mà bất kỳ ai tranh đấu cho dân chủ cũng phải bảo vệ.

Ai chà đạp lên quyền đó, thì người đó đang làm đúng chuyện mà hệ thống tuyên giáo này đang làm, là bảo vệ cho tư tưởng chính trị đơn nguyên.

Thế thì chống độc tài cách nào?

Be the first to comment

Leave a Reply