Các Quốc Gia Đông Nam Á Cứng Rắn với Trung Quốc Trên Biển Đông

Tác giả: Gregory B. Poling
Người dịch: Liem Mai

(Ghi chú từ ND – Đây là bản dịch bài viết của Gregory B. Poling, trên tạp chí Asia Times ngày 23/01/2023, trích lại từ East Asia Forum. Tác giả là nhà nghiên cứu cao cấp, Giám Đốc Chương Trình Đông Nam Á và Sáng Kiến Minh Bạch Trong Hàng Hải Á Châu, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Té (CSIS), Washington, DC)


𝘓𝘢̂̀𝘯 đ𝘢̂̀𝘶 𝘵𝘪𝘦̂𝘯 𝘵𝘳𝘰𝘯𝘨 𝘮𝘰̣̂𝘵 𝘵𝘩𝘢̣̂𝘱 𝘯𝘪𝘦̂𝘯, 𝘴𝘶̛̣ 𝘬𝘪𝘦̂̉𝘮 𝘴𝘰𝘢́𝘵 𝘤𝘶̉𝘢 𝘛𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘘𝘶𝘰̂́𝘤 𝘵𝘳𝘦̂𝘯 𝘯𝘩𝘶̛̃𝘯𝘨 𝘷𝘶̀𝘯𝘨 𝘣𝘪𝘦̂̉𝘯 đ𝘢𝘯𝘨 𝘵𝘳𝘢𝘯𝘩 𝘤𝘩𝘢̂́𝘱 𝘬𝘩𝘰̂𝘯𝘨 𝘵𝘩𝘦̂̉ 𝘵𝘪𝘦̂́𝘯 𝘵𝘳𝘪𝘦̂̉𝘯 𝘵𝘩𝘦̂𝘮 𝘵𝘳𝘰𝘯𝘨 𝘯𝘢̆𝘮 2022 đ𝘢̂̀𝘺 𝘣𝘪𝘦̂́𝘯 đ𝘰̣̂𝘯𝘨 – 𝘎𝘳𝘦𝘨𝘰𝘳𝘺 𝘉. 𝘗𝘰𝘭𝘪𝘯𝘨.

Tình hình ở Biển Đông vẫn chưa ổn định. Tàu bè Trung Quốc thường xuyên gây ra các cuộc chạm trán nguy hiểm và ngày càng leo thang với tàu của các quốc gia khác trong suốt năm 2022. Nhưng lần đầu tiên sau một thập niên, sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các vùng biển đang tranh chấp không có tiến bộ nào đáng kể.

Lực Lượng Cảnh Sát Biển Trung Quốc (CCG) và Lực Lượng Dân Quân Biển vẫn được triển khai với cùng tốc độ và số lượng như trong năm 2021. Hàng chục tàu CCG và hàng trăm tàu dân quân biển hoạt động hàng ngày trên tuyến đường biển này, quấy rối các tàu dân sự và quân sự của các nước Đông Nam Á. Nhưng phần lớn các chính phủ Đông Nam Á đã giữ vững lập trường của mình.

CCG và Lực Lượng Dân Quân Biển đã tham gia vào một loạt vụ chạm trán nguy hiểm với các tàu của Philippines trong nửa đầu năm 2022. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, CCG đã quấy rối một tàu nghiên cứu khoa học của Đài Loan đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, vốn đang theo đuổi một dự án chung với Đại học Philippines.

Một tàu CCG khác đã quấy rối một tàu khảo sát của Na Uy đang ký hợp đồng tìm kiếm dầu khí gần Palawan. Vì vậy chính phủ Manila đã ra lệnh ngưng mọi công việc thăm dò ở những khu vực đó.

Và trong một loạt những biến cố nguy hiểm nhất, các tàu CCG phối hợp với các tàu dân quân biển chuyên nghiệp ngăn chặn các tàu tiếp tế cho quân đội Philippines đồn trú tại bãi cạn Second Thomas Shoal trong tháng Tư và tháng Sáu.

Vào ngày 30 tháng 6, ông Ferdinand Marcos Jr nhậm chức tổng thống Philippines. Trong một dấu hiệu có vẻ là để chứng tỏ thiện chí, CCG và Lực Lượng Dân Quân Biển đã ngừng ngăn chặn việc tiếp tế, nhưng vẫn theo dõi và thách thức các tàu tiếp tế này.

Vào tháng 11, Lực Lượng Cảnh Sát Biển Philippines đã cáo buộc CCG “đã dùng vũ lực tước đoạt” các mảnh vỡ tên lửa đang được kéo đến đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh là rằng mảnh vỡ đã được bàn giao sau “các cuộc thương thuyết thân thiện”, nhưng một đoạn video cho thấy CCG đã cắt đứt dây kéo mà không báo trước và thu giữ các mảnh vỡ tên lửa này.

Các tàu dân quân biển của Trung Quốc tiếp tục triển khai trên quần đảo Trường Sa, buộc chính phủ Manila phải tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Các biến cố này đã tạo động cơ cho mối quan hệ Mỹ-Philippines thắt chặt hơn. Hai bên đã đặt ra lộ trình cập nhật liên minh của mình. thông qua tuyên bố về tầm nhìn chung trong Đối Thoại Chiến Lược Song Phương tháng 11 năm 2021. Tháng 4 năm 2022, hai nước đã bắt đầu cuộc Đối Thoại Hàng Hải nhằm giải quyết các mối đe dọa trong các vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Vào tháng 10, Hoa Kỳ đã công bố một khoản viện trợ về quân sự cho nước ngoài bổ sung trị giá 100 triệu USD cho Philippines. Vào tháng 11, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đến thăm Palawan, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với liên minh. Và vào giữa tháng 12, Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ cáo buộc của Philippines về những hoạt động của Trung Quốc.

Mặt khác, Việt Nam vẫn không công khai về những căng thẳng của mình với Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa là những căng thẳng này đã giảm bớt. Dấu hiệu rõ nhất về mối quan tâm của Việt Nam đối với Trung Quốc là tham vọng mở rộng các tiền đồn ở vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong nửa cuối năm 2022, Việt Nam đã nạo vét và bồi đắp để mở rộng bốn vùng đảo và bãi đá ngầm— Đảo Nam Yết (Namyit Island), bãi đá ngầm Phan Vinh (Pearson Reef), đảo Sơn Ca (Sand Cay Island) và bãi đá ngầm Tiên Nữ (Tennent Reef) — với tổng diện tích 420 mẫu.

Sự mở rộng này không đáng kể so với 3200 mẫu mà Trung Quốc đã mở rộng từ năm 2013 đến năm 2016. Có những khác biệt quan trọng về pháp lý và kỹ thuật khiến công việc của Hà Nội ít leo thang hơn so với Bắc Kinh. Nhưng việc mở rộng gần đây là một sự thay đổi đáng chú ý.

Hiện nay, đảo Nam Yết và bãi đá ngầm Phan Vinh là hai tiền đồn lớn nhất của Việt Nam ở Trường Sa và họ cũng xây dựng các bến cảng lớn ở đó. Điều này cho thấy Việt Nam có kế hoạch triển khai thêm các tàu hải quân và cảnh sát biển đến các đảo và bãi đá ngầm này. Đây cũng là một phản ứng tự nhiên khi các tàu CCG và dân quân biển của Trung Quốc được liên tục tung ra hoạt động trên vùng quần đảo Trường Sa và quấy rối các hoạt động của Việt Nam.

Về mặt quốc tế, Hà Nội bày tỏ ý muốn tạo một khoảng cách giữa mình và Washington. Vào tháng 7, Việt Nam đã hủy chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan như kế hoạch định trước. Nhà phân tích về Việt Nam Carlyle Thayer cho rằng điều này có thể là do lo ngại về căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng sau chuyến đi Đài Loan của Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi.

Việt Nam cũng quyết định không tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương mỗi hai năm một lần của Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng 10, điều mà một số người coi đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đang ấm lên.

Mặc cho sự xa cách về chính trị với Washington, mối quan hệ quốc phòng hai bên tiếp tục thắt chặt hơn. Trợ Lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ely Ratner đã đến thăm Hà Nội vào tháng 9 để đối thoại về chính sách quốc phòng. Hà Nội đã mời các công ty Hoa Kỳ tham gia hội chợ quốc phòng quốc tế đầu tiên của Việt Nam tổ chức vào tháng 12, nhằm mục đích làm nguồn cung thiết bị quân sự đa dạng hơn.

Việt Nam lo lắng về cán cân quyền lực ở Biển Đông, đang không có lợi về phía họ và họ hoan nghênh sự hợp tác thực dụng với Hoa Kỳ để giải quyết sự mất cân bằng này. Nhưng họ không coi việc ôm lấy Washington bằng mọi giá là có lợi hay cần thiết cho họ.

Các kiểu hành xử ở Biển Đông năm 2022 không khác biệt nhiều so với các năm trước. Sự hoạt động của Lực Lượng Cảnh Sát Biển và Lực Lượng Dân Quân Biển của Trung Quốc đã đạt mức hiện tại từ năm 2020, nếu không sớm hơn.

Căng thẳng Trung Quốc-Philippines đã leo thang kể từ ít nhất là năm 2018, khiến chính quyền Duterte không còn hy vọng vào sự hòa hoãn nữa. Việt Nam đã và đang mở rộng các căn cứ ở Trường Sa và theo đuổi một hợp tác quân sự có mức độ với Hoa Kỳ trong một thập niên tới.

Ngoại trừ có một biến động lớn, năm 2023 sẽ tiếp tục như năm trước. Sẽ không có bước đột phá nào và cũng sẽ không có quy tắc ứng xử hoặc các dự án phát triển chung lớn lao nào. Căng thẳng sẽ vẫn ở mức cao, nhưng Bắc Kinh khó có thể đạt được nhiều tiến triển. Ít nhất là hiện nay, các nước láng giềng của Trung Quốc có thể trụ lại được.

Liêm
(02/2023)

Nguồn https://m.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/3133094966836287/?mibextid=Nif5oz

Be the first to comment

Leave a Reply