Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà (Voi)
Nhìn vào lịch sử một ngàn năm qua của Việt Nam, ta thấy đất nước Việt Nam đã trải qua chục cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Trong đó, có những cuộc chiến tổ tiên ta phải chiến đấu với ngoại xâm để giữ nước và cũng rất nhiều cuộc nội chiến với rất nhiều trận đánh tàn khốc. Một ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân ta chịu đựng cảnh sống nô lệ, bị ảnh hưởng lớn về văn hóa và tư duy. Mỗi một lần chiến tranh, thay đổi đều là những lần đất nước thấm đẫm máu và sau đó là các cuộc đào mồ cuốc mả diệt trừ từ người cho đến văn hóa. Nỗi đau, mất mát, tổn thương, di chứng chiến tranh, hậu quả của các cuộc chiến… Tất cả những điều trên đều góp phần hình thành nên tính cách dân tộc: chịu đựng, nhẫn nhịn, luồn lách, chăm chỉ, co cụm, bảo thủ, cực đoan…và bạo lực. Những câu chuyện dân gian, truyện cổ tích Việt Nam, đa phần, thể hiện rất rõ những tính cách này, và cao hơn cả, là bạo lực.
Từ sau 1945, đất nước được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản, tinh thần bạo lực cách mạng, chuyên chính, vô sản, xây dựng thế giới đại đồng. Trong 75 năm nắm quyền lãnh đạo đất nước, đảng cộng sản đã đưa dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến Nam Bắc chấm dứt ngày 30/4/1975 nhưng cho đến nay chưa bao giờ đất nước được thực sự bình yên để phát triển. Lúc nào trong xã hội cũng có những nhóm người bị nhận lãnh những điều đau đớn, thiệt thòi, bất công và oan khiên bởi những chủ trương, chính sách, đường lối, nghị quyết sai lầm của đảng và sự quản lý yếu kém, tồi dở của chính phủ.
Cuộc cải cách ruộng đất với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để “đào tận gốc, trốc tận rễ địa chủ, cường hào, ác bá” gây ra biết bao nỗi tang thương và mất mát. Bản thống kê chính thức năm 1956 cho biết, trong số 172.008 người bị quy là địa chủ và phú nông trong cải cách ruộng đất thì 123.266 người bị quy sai, tức là bị oan, tỉ lệ 71,66%.
Người ta chết chỉ vì bị đấu tố sai. Người ta chết chỉ vì họ giàu hơn những người còn lại, bất kể nguyên nhân giàu. Người ta chết vì sự ngu dốt ngông muội của những kẻ đấu tố và bị buộc phải đấu tố. Người ta chết vì những kẻ đấu tố lợi dụng trả thù. Người ta chết vì một chính sách sai lầm nhưng quyết tâm thực hiện bằng được của đảng. Người chết, để lại nỗi đau cho bao thế hệ, cho đến giờ, mỗi khi nhắc lại vẫn âm ĩ.
Nhưng, tác hại lớn nhất của cuộc cải cách ruộng đất không phải về người, về của, mà về văn hóa, đạo đức. Nó đã bứt đứt sợi dây tình yêu thương, nghĩa xóm làng, các mối quan hệ thân thuộc-là rường mối ràng buộc kết nối dân tộc trong suốt mấy nghìn năm. Phựt. Con tố cha, vợ tố chồng, cháu tố ông, người chịu ơn tố người đã từng làm ơn cho mình… Mọi giá trị: tình yêu, tình nghĩa, đạo lý làm người, sự thượng tôn pháp luật.. đều bị vứt vào sọt rác để thực hiện chính sách cải cách ruộng đất của đảng, song song với cuộc thanh trừng trí thức bằng phong trào chỉnh đốn đảng.
Xét lại, nhân văn giai phẩm, đánh công thương, học tập cải tạo, kinh tế mới, đổi tiền, bao cấp, hợp tác xã,…tất cả mọi chính sách, chủ trương đều có những bất cập, gây tác động rất lớn đến xã hội, ảnh hưởng đến hàng triệu người nhưng vẫn được đảng chỉ đạo kiên quyết thực hiện làm cho bao người phải bỏ nước ra đi trong điều kiện một sống một chết. Những di chứng tổn thương dân tộc tồn tại từ trước đó cộng thêm vào những vết thương chiến tranh, những vết thương do chủ trương chính sách mà đảng đã và đang gây ra chưa bao giờ được chữa lành. Chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc chưa bao giờ được đảng cộng sản thực hiện nghiêm túc và thành ý. Lòng người vẫn đầy chia rẽ bởi những nỗi đau không lành miệng, thỉnh thoảng lại rỉ máu mỗi khi xã hội có biến động, vẫn bởi chính sách của đảng và sự quản lý của chính quyền.
Để độc quyền lãnh đạo, đảng ra sức tuyên truyền trong quần chúng nhân dân chỉ có đảng mới là lực lượng đủ tài đức để dẫn dắt dân tộc. Những điều làm sai thì bôi đen che giấu. Những điều làm được thì tô hồng. Xây dựng hình tượng lãnh tụ vĩ đại để dân tin yêu và nghe theo, làm theo, không cần đắn đo phản biện. Đảng cộng sản đưa vai trò lãnh đạo tuyệt đối đối với đất nước vào hiến pháp để mặc nhiên giữ quyền lãnh đạo đời đời và triệt tiêu mọi sự cạnh tranh, mọi manh nha phản kháng dưới mọi hình thức. Tất cả phải là, hoặc đồng thuận hoặc tuân phục. Tất cả chỉ còn là giả dối trong các báo cáo và huênh hoang trong các kế hoạch.
Chủ trương đưa chính trị vào giáo dục, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã giết chết tư duy độc lập, vốn dĩ đã hiếm hoi, trong con người Việt. Tinh thần bạo lực cách mạng cũng được đưa vào trong sách giáo khoa thông qua các bài văn, thơ, câu chuyện, phép tính. Cái chuyện giết người, kể cả trong chiến tranh, là một chuyện chẳng đặng đừng và buộc phải làm, vậy mà khi vào sách giáo khoa cho trẻ nhỏ bỗng trở thành cái gì đó hết đỗi bình thường và đơn giản. Đếm mạng người như đếm ngón tay. Tính nhân bản bị thách thức nghiêm trọng. Con người được đào tạo như những cỗ máy hết thế hệ này đến thế hệ khác. Càng ngày càng sai, càng ngày càng bối rối, mâu thuẫn. Nền tảng giáo dục gia đình không còn được tôn trọng giữ gìn. Đạo đức xã hội xuống cấp. Quan sai đằng quan, dân sai đằng dân. Pháp luật không còn được thượng tôn. Mọi giá trị bị đảo lộn. Tôi có thể nói mà không sợ mình bị thậm xưng, rằng, phần rất đông người Việt mang trong mình tính bạo lực.
Chính sách đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý được đảng đưa vào điều 53 hiến pháp, tước bỏ quyền tư hữu của người dân. Những vô lý, bất cập nghiễm nhiên tồn tại và ngày càng trở nên nhức nhối qua các vụ việc doanh nghiệp, sân sau, nhóm lợi ích cấu kết chính quyền các cấp lợi dụng chính sách để trục lợi và gây mất mát cho một bộ phận không nhỏ người dân yếu thế.
Hôm nay, tôi ngồi xem đi xem lại gần chục lần video clip dài 26 phút được đăng tải lên YouTube ngày 23/12/2019 ghi cảnh người dân Đồng Tâm nói về cuộc chiến chống tham nhũng, thực hiện theo phong trào phòng chống tham nhũng do trưởng ban phòng chống tham nhũng Trung ương do ông Nguyễn Phú Trọng, bí thư đảng cộng sản, chủ tịch nước, bí thư quân ủy, bí thư đảng ủy công an lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Từ rạng sáng ngày 9/1/2020 đến nay, những ai còn lương tri đều thổn thức vì vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm (Bạn nào chưa nắm thông tin, hãy search để tìm hiểu và nên đọc thông tin từ thật nhiều nguồn và chắt lọc, đừng chỉ đọc báo “chính thống” của đảng thì sẽ hiểu cái gì đang diễn ra.)
Tôi ngồi nhìn mãi gương mặt, phong thái, cách nói chuyện của ông Lê Đình Kình, ông Lê Đình Công và hai người nữa phát biểu trong clip mà tôi không rõ tên. Họ, những con người đang bị chính quyền bắt giữ và kết tội giết người, có những gương mặt hiền lành nhưng cương trực và nỗi phẫn uất trong giọng nói, cách nói y một khuôn như những người dân oan ở khắp nước này mà tôi đã từng gặp, từng chia sẻ ngọt bùi gian khó. Họ, những con người bị chính sách đất đai làm cho mất nhà mất ruộng, không thể tái định cư, không thể ổn định cuộc sống và nghề nghiệp bởi giá đền bù đất đai theo quy định nhà nước là một cái giá cực kỳ rẻ rúng và bất công.
Người ta có thể hiến đất để làm đường, xây trường, quốc phòng vì yêu nước và muốn đóng góp cho xã hội. Nhưng người ta làm sao có thể chấp nhận được việc nhà nước thu hồi đất của người ta với giá rất rẻ, gần như cướp trắng, để trao cho doanh nghiệp, các nhóm lợi ích kinh doanh, phân lô bán nền với giá rất cao? Đất đai, nhà cửa là một tài sản lớn của người Việt vì người Việt có truyền thống coi trọng đất đai của ông bà tổ tiên và luôn có ước muốn “an cư lạc nghiệp;” làm sao người ta có thể chấp nhận nhìn thấy mồ hôi, công sức và cả xương máu cả đời của ông cha, của mình bị lấy đi để bán giá cao và quăng trả lại số tiền không đủ mua một tô phở, chục trứng gà, một ký thịt bò…(tùy theo địa phương và loại đất.) Người dân hiền lành không quan tâm đến chính trị như các vùng miền Tây Nam bộ, các tỉnh thành xa hay người dân có quan tâm chính trị và hiểu biết chính sách ở thành thị, người ngoài đảng hay trong đảng, dân thường hay đã từng là lính, trong Nam hay ngoài Bắc…đều bị cướp đất theo cùng một quy trình. Chỉ là chưa thấy ông bà quan chức lớn đang tại chức nào bị thu hồi đất đai theo cách này. Đường đi ngang nhà quan phải “uốn cong mềm mại” để né.
Những đoàn người dằng dặc khiếu kiện, bị chính quyền bỏ rơi năm này qua năm khác. Họ bị bắt nhốt, điều tra, bị đánh vì đi biểu tình kêu oan; bị vu khống, sỉ nhục, xúc phạm, chà đạp danh dự và nhân phẩm vì khiếu kiện lâu ngày; bị bắt kết án, bỏ tù vì dám phản kháng trong ôn hòa; bị cả một hệ thống báo, đài truyền thông vu khống và chính quyền các cấp đầy quyền lực, súng ống, lực lượng sẳn sàng trấn áp theo tinh thần bạo lực cách mạng. Tây Ninh, Dương Nội, Hải Phòng, Thanh Oai, Châu Đốc, Văn Giang, Thủ Thiêm, Cồn Dầu, Đồng Tâm… Những cái địa danh mà mỗi lần nhắc đến là ký ức trong đầu tôi ngay lập tức nhớ lại cảnh công an trang bị khiên, gậy, súng ống, lựu đạn hơi cay, đánh đập bắt bớ người dân trong các cuộc cưỡng chế khi mà dân chưa đồng thuận. Tiếng la hét, tiếng dùi cui, tiếng kêu khóc xin dừng tay, tiếng chửi rủa, tiếng đe nẹt, tiếng máy ủi…nhòe nhoẹt lẫn vào những cơ thể người không rõ mặt đang ngã lăn, bị lôi xệch vẫn không thôi bị nhận những cú đá, đạp, đấm và gậy vào người không hề nương nhẹ. Họ có tội chỉ bởi họ có một chút ý chí phản kháng.
Tôi không nhớ hết tên những người đàn ông, đàn bà dân oan lê lết ở vỉa hè trước trụ sở tiếp dân của trung ương ở số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội vì họ đông quá. Có lúc lên đến vài trăm người. Tôi không nhớ được đã bao lần tôi phải can ngăn họ đừng tự thiêu hay làm điều dại dột. Tôi nợ họ câu trả lời cho câu hỏi, “Em ơi, chừng nào đất nước thay đổi để dân oan có được sự công bằng, cho dân hết khổ hả em?” Không biết bao lần tôi nghe họ gọi tên lãnh đạo, chứng kiến họ quỳ lạy trước cửa nhà lãnh đạo và văn phòng quốc hội để kêu xin quan tâm cứu xét. Tôi đã từng theo họ lang thang khắp các báo đài hòng hi vọng tiếng nói của họ được lắng nghe. Nhưng, kết quả bằng không. Vô vọng. Họ vẫn ròng rã đi kiện, đi kêu “đảng ơi, chính phủ ơi, cứu dân!” Đắng đót.
Cái quy trình thưa kiện, đối thoại, người bị kiện xử lý giải quyết đơn thư của người đi kiện, buộc người bị cướp đối thoại với kẻ cướp nhưng phần thắng luôn thuộc về kẻ cướp; trung ương chỉ về địa phương, địa phương không giải quyết, người dân lại ra trung ương kêu gào, lại bị đuổi về, năm này qua năm khác ấy nó bào mòn tiền bạc, sức khỏe, tinh thần, lòng kiên nhẫn, ý chí, niềm tin và thật đau đớn là cả một phần tính nhân bản yêu thương trong người dân oan hiền lành chất phác. Họ có được ai quan tâm đâu? Có được ai thông cảm chia sẻ đâu? Có được ai thấu hiểu đâu? Có được ai hỗ trợ đâu? Gần như cả xã hội đều nghe đài của đảng tuyên truyền rằng họ là những kẻ gây rối, chống phá chính sách chủ trương của đảng và nhà nước. Họ phải tha phương, đói lạnh, vật vờ, thậm chí giành giật lấy những phần quà nhỏ bé của cộng đồng nhỏ trao gởi để có thể tồn tại. Mãi mấy năm sau này, khi mà tình trạng dân oan đã trở nên quá phổ biến, quá tràn lan, quá gây chấn động thì một số ít người quan tâm theo dõi tin tức qua mạng xã hội mới biết đến và giúp đỡ họ một phần nho nhỏ về cơm áo và giúp họ lên tiếng.
Con người, khi rơi vào cảnh cùng quẫn, bị áp bức trong một xã hội mà chính quyền luôn hành xử bằng vũ lực, người dân thì không quan tâm đến chính trị xã hội và cũng hành xử bằng bạo lực thông qua hành động, lời nói trong đời sống hằng ngày và trên mạng xã hội (hậu quả của di chứng tổn thương dân tộc và chính sách cai trị, quản lý, giáo dục của chính quyền cộng sản,) thì tất yếu họ dễ dàng sử dụng mọi khả năng có thể để tự bảo vệ và phản kháng. Họ yếu thế, họ đâu thể bạo lực với chính quyền, thế là họ bạo lực chính họ: tự thiêu. Lác đác, thảng hoặc mới có vụ việc người dân dám sử dụng công cụ để phản đối việc cưỡng chế trái quy định. Anh Đoàn Văn Vươn, gia đình cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, và gần đây nhất là người dân Đồng Tâm..
Ta buộc phải nhìn xuyên suốt từ khía cạnh lịch sử, thể chế, chính sách, xã hội thì ta mới có thể phần nào hiểu đúng, đủ về dân oan và mới có thể giải thích được việc vì sao người dân phải phản kháng bằng bạo lực. Nhiều người đã dành quan tâm rất lớn về Đồng Tâm, đã rất đau đớn về Đồng Tâm và viên đạn thẳng tim mà chính quyền dành cho người đảng viên trung kiên Lê Đình Kình gần 60 năm tuổi đảng cũng là viên đạn hạ gục, xé nát chút niềm tin còn sót lại vào chính quyền trong họ. Chính quyền, như mọi khi, vẫn “hành xử như một đội quân chiếm đóng” (câu của ông Nguyễn Gia Kiểng.) Họ định hướng dư luận để người dân quên đi nguyên nhân vì sao dân oan lại phải phản ứng như vậy. Họ tuyên truyền để trắng đen, thật giả lộn nhào, lập lờ đánh lận, thậm chí ngông cuồng thay đổi khái niệm để qua mặt, che đậy những điều khuất tất, bưng bít sự thật, kiểm soát thông tin và nhất quyết không lùi bước trước nhân dân. Không chỉ riêng Đồng Tâm mà nơi nào cũng thế. Lợi ích nhóm được đặt cao hơn tất cả. Cộng sản? Đã chết. Chỉ còn là trí thức lưu manh và tài phiệt nắm quyền sinh sát, cướp bóc dân này bằng lừa mị và súng ống.
Trong một xã hội như thế, thì con người ngày càng thể hiện tính bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp, giải quyết mâu thuẫn với nhau và với chính quyền là xu thế tất yếu. Chính đảng và chính quyền là nguyên nhân chính tạo ra những điều đau đớn này. Vụ việc Đồng Tâm gây chấn động nhân tâm, nhưng nó chưa phải là hồi chuông kết thúc bạo lực. Mọi sự chỉ mới bắt đầu.
Thường khi, tôi hay kết thúc một bài viết bằng những góp ý, giải pháp để giải quyết vấn đề. Nhưng, tôi không đưa ra một lời góp ý nào nữa bởi tôi hiểu rõ nó sẽ bị quăng vào sọt rác. Giải pháp nào cho đất nước? Làm sao để tình trạng Đồng Tâm không tái diễn? Làm sao để chấm dứt được tình trạng bạo lực đã, đang và sẽ diễn ra? Làm sao để đất nước là một nơi đáng sống và đáng để mỗi công dân Việt Nam tự hào? Câu trả lời không còn nằm ở đảng và chính quyền mà bây giờ nằm ở người dân, ở bạn, ở tôi và ở trong dòng máu của những con người còn lương tri trong xã hội.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.