Tác Giả: KL
Cách mà một số người chỉ ra sự chia 5 xẻ 7, đảng phái thân Cộng trong sắc tộc Kurd ở 4 quốc gia Trung Đông để giảm nhẹ trách nhiệm của Donald Trump khi rút quân Mỹ ra khỏi Syria và ra lệnh cho quân Mỹ đứng nhìn khi Thổ Nhĩ Kỳ mang quân sang đàn áp người Kurd Syria (“không thống nhất được thì đừng mong ai giúp”, “có tốt lành gì đâu mà bênh”, etc) cho thấy tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) rất nặng và phổ biến của người Việt.
Ta có thể thấy tư tưởng này hiện diện khắp mọi nơi trong xã hội VN, mà nạn nhân ở đây thường là người yếu thế như phụ nữ, trẻ con, người nghèo. Cô gái bị hiếp thì ai biểu cổ đẹp quá, ăn mặc bốc quá chi để bị hiếp. Thằng nhỏ bị đánh vì nó hư, không hư sao bị đánh. Người nghèo bị ức hiếp, cưỡng đoạt thì cũng tặc lưỡi rồi phán: ai bảo mày nghèo!
HAI SAI CÓ THÀNH ĐÚNG?
Tư duy đổ lỗi cho nạn nhân xuất phát từ 3 luồng suy nghĩ. Thứ nhất là lỗi nguỵ biện 2 sai = đúng: cái sai của mày là lý do chính đáng để người kia dùng cái sai khác để trừng phạt mày. Mày ăn mặc hở hang là sai trái nên bị người ta hiếp dâm, quấy rối là phải. Người Kurd thân Cộng, chia rẽ nên mới bị Mỹ phản bội. Và nhiều ví dụ nữa.
Những người sử dụng phép nguỵ biện này (dù vô ý hay cố tình) giả định rằng bởi vì nạn nhân làm sai trước nên thủ phạm có quyền làm sai để đáp trả, và cái sai của thủ phạm trở nên chính đáng khi nó được dùng để đáp trả cái sai của nạn nhân. Trên thực tế, giả định này hoàn toàn phi logic. Lấy cái sai này đáp trả cái sai khác thì chỉ dẫn đến nhiều cái sai hơn mà thôi, chứ điều đó không khiến cái sai của bạn trở thành đúng. Bạn hiếp dâm người ta vì bất cứ lý do gì cũng là sai. Bạn giết người để trả nợ máu thì kết cục là chỉ có thêm một xác người nữa chứ không khiến mọi chuyện thay đổi. Bạn đánh đập, lăng nhục người khác vì bất cứ lý do gì thì bạn vẫn sai trước, không liên hệ tới việc người bị bạn đánh đập, lăng nhục đã nói hay làm sai điều gì.
Trong vụ việc Trump rút quân khỏi Syria, bỏ mặc đồng minh người sắc tộc Kurd đương đầu với Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền al-Assad, một số người Việt cho rằng người Kurd bị như vậy không sai vì bản thân họ cũng có nhiều vấn đề. Tôi xin trích dẫn một vài ví dụ:
“Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ.”
“Mỹ giúp người Kurds cũng là tự giúp mình và ngược lại, người Kurds cần Mỹ để bảo vệ mình. Tôi chưa thấy Mỹ bỏ rơi đồng minh bao giờ, trừ khi đồng minh quá tệ chỉ biết lợi dụng Mỹ.”
“Cuộc rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan bắt đầu từ thời TT Obama. Không hiểu ông này là chủ sòng bài hay chủ khách sạn nhỉ?”
(Câu cuối ngụ ý nói bởi vì Obama cũng từng ra lệnh rút quân khỏi Iraq và Afghanistan nên giờ Trump rút quân khỏi Syria cũng vậy thôi, đâu có gì sai.)
Ngoài ra một số người chỉ ra việc đảng PKK của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa cộng sản để biện minh rằng bởi vậy nên Mỹ bỏ rơi người Kurd là đúng, như fb Khách Huyền Đao. (1)
Những lập luận kiểu này rất thuyết phục với những người có tư duy đổ lỗi cho nạn nhân, nhất là khi thủ phạm trong trường hợp này là một quốc gia mà họ ngưỡng mộ là Mỹ, và một con người mà họ ngưỡng mộ là Donald Trump. Tuy nhiên chúng đều mắc phải lỗi nguỵ biện 2 sai = đúng nêu trên.
Một dân tộc chia rẽ chưa chắc đã sai, mà có sai thì cũng không biện minh được cho việc bỏ rơi người Kurd sau khi họ đã hy sinh rất nhiều đễ hỗ trợ nước Mỹ tiêu diệt ISIS. Sự vô trách nhiệm trong việc rút quân khỏi Syria và để người Kurd ở Syria hở sườn là cái sai về mặt luân lý không thể biện hộ của Trump vì bất cứ lý do nào. So sánh với những hành động và chính sách trong quá khứ của Mỹ cũng cho thấy quan điểm này rất yếu ớt. Dân tộc Triều Tiên cũng bị chia rẽ nhưng Mỹ có bỏ mặc Nam Hàn không? Hán tộc chia thành Trung Cộng, Đài Loan, Hong Kong nhưng người ta có nói sự đấu tranh của người Hong Kong “không xứng đáng được ủng hộ” không?
Tương tự, việc người Kurd ở Syria “lợi dụng” Mỹ không phải là lý do chính đáng để Mỹ bỏ rơi họ. Chính Mỹ cũng lợi dụng người Kurd làm tiền phương để giảm thiểu thương vong cho linh Mỹ trong cuộc chiến chống ISIS. Nói người Kurd Syria “quá tệ chỉ biết lợi dụng Mỹ” là một sự chối bỏ trắng trợn sự hy sinh của rất nhiều người Kurd Syria để làm tiền phương đánh ISIS cho Mỹ.
Lý luận rằng đảng phái người Kurd theo cộng sản nên bị bỏ là đúng thì lại càng tầm bậy và có sự đánh tráo khái niệm. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quyết định của ông Trump là người Kurd ở Syria theo Lực lượng dân chủ Syria (SDF), ko phải PKK của người Kurd bên Thổ hay KDP của người Kurd Iraq. SDF bao gồm 13 tổ chức trong đó nổi bật nhất là YPG, YPJ có thành phần chủ yếu là người Kurd. Tuyên ngôn thành lập của SDF năm 2015 có nói: “Đây là bước tiến đến sự thành lập một thể chế dân chủ cho toàn thể người dân Syria dựa trên quyền tự do của người phụ nữ. Mục đích căn bản của chúng tôi là sự thành lập một quốc gia Syria dân chủ.” (2)
Còn nói rằng “Obama cũng làm vậy thì Trump làm có sao” thì còn sai hơn nữa. Sao biết Obama sai mà vẫn theo? Sao thấy Trump lặp lại sai lầm của Obama mà lại bênh Trump, chửi Obama? Vậy thì Trump khác Obama chỗ nào? Hơn nữa thực tế cho thấy Obama đã phải nuốt lời hứa rút quân khỏi Afghanistan sau khi chứng kiến việc rút quân khỏi Iraq đã dẫn đến sự trỗi dậy của ISIS (3).
Trên đây là một vài ví dụ và phản biện cho những lập luận nguỵ biện 2 sai = đúng được đưa ra để bênh vực Trump và đổ lỗi cho người Kurd. Nhưng đó mới chỉ là một yếu tố.
CƯỜNG GIẢ VI TÔN?
Tại sao việc Trump rút quân khỏi Syria bị phản đối kịch liệt bởi cả 2 phía tả hữu trên chính trường Mỹ, trong đó có cả những đồng minh cứng cựa nhất của Trump như thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Lindsey Graham, hay nhà truyền giáo Evangelist Franklin Graham,… mà nhiều người Việt lại nhất mực ủng hộ Trump trong vấn đề này? Tại sao hoàn cảnh của người Kurd ở Syria có nhiều nét tương đồng với hoàn cảnh của VNCH năm 1975 mà không ít hậu duệ VNCH lại bênh vực cho sự phản bội này của Trump?
Có nhiều câu trả lời sẽ được đưa ra để trả lời cho những câu hỏi này. Theo tôi, một nguyên nhân quan trọng là tâm lý sùng bái quyền lực, sùng bái kẻ mạnh của một số người Việt, mà trong trường hợp này là sự sùng bái cá nhân Donald Trump nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Chúng ta vẫn thường nghe những câu “châm ngôn” kiểu như: mạnh được yếu thua, thắng làm vua thua làm giặc, cường giả vi tôn, etc. khi người Việt bàn về chính trị. Thực ra điều đó không hề sai sự thật; hễ là người có quyền lực, quốc gia có sức mạnh kinh tế, quân sự hùng hậu thì luôn có tiếng nói mạnh hơn, còn những nước nhỏ yếu, những người yếu thế trong xã hội thì không được đoái hoài. Xưa giờ vẫn vậy.
Tuy nhiên, sự thật nó như vậy không có nghĩa là nó nên như vậy và sẽ luôn là như vậy. Nếu điều đó đúng thì Trung Quốc chiếm VN, nuốt Hong Kong, thao túng các nước nhỏ là chính đạo, vì nó mạnh, nó có quyền. Tôi nghĩ rằng gần như tất cả mọi người Việt sẽ không đồng ý với điều đó.
Vậy thì tại sao nhiều người Việt lại ủng hộ Donald Trump khi Trump quyết định bỏ rơi người Kurd ở Syria, một lực lượng đã chiến đấu chống lại thể chế độc tài al-Assad và ISIS cho Mỹ đổi lấy lãnh thổ cho riêng họ? Vì dân Kurd phân liệt, yếu ớt nên cần thì xài, muốn vứt là vứt? Vì Trump và nước Mỹ có quyền, có tiền nên muốn làm gì cũng được chăng, kể cả phản bội chiến hữu?
Nói rộng hơn, cách suy nghĩ tôn sùng kẻ mạnh này là một trong những nguyên nhân nền tảng cho rất nhiều vấn đề của người Việt như chạy theo đồng tiền, mua quan bán tước, bất công xã hội, etc. và nhất là tư duy đổ lỗi cho nạn nhân. Bởi vì tư duy “kẻ mạnh có quyền” đã vô hình trung khiến cho những kẻ có quyền lực, tiền bạc, địa vị dám làm hại người khác để thoả mãn cho cá nhân mà không sợ bị trừng phạt, không sợ bị tố cáo. Trong khi nạn nhân nếu tố cáo, chống lại bất công thì sẽ bị dèm pha là “con kiến đi kiện củ khoai”.
Nếu cứ giữ khư khư lối suy nghĩ đó thì người Việt không cách nào thoát khỏi cái ao làng và hoà nhập cùng thế giới.
NHÂN QUẢ
Yếu tố thứ 3 trong tư duy đổ lỗi cho nạn nhân là niềm tin vào luật nhân quả, hay theo ý kiến cá nhân của tôi là cách hiểu sai về luật nhân quả của nhiều người Việt. Mặc dù vụ việc Trump rút khỏi Syria chưa thấy ai đề cập đến yếu tố này nhưng tôi cho rằng tư duy đổ lỗi cho nạn nhân trong xã hội Việt Nam nói riêng và con người nói chung có một phần dựa trên niềm tin vào nhân quả.
Nhân quả, hay còn gọi là nghiệp báo, karma, là niềm tin rằng những sự kiện diễn ra ở hiện tại là hệ quả của những sự việc xảy ra trong quá khứ, thậm chí trong kiếp trước. Khái niệm này có nguồn gốc từ Ấn Độ và được tiếp thu bởi Phật giáo, Hindu giáo và một số tôn giáo Ấn Độ khác, mặc dù có những dị bản khác nhau. Tôi sẽ không đi sâu vào khái niệm này, mà chỉ phân tích sự liên hệ giữa niềm tin vào nhân quả lệch lạc và tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân.
Tôi đã từng thấy trong nhiều vụ việc có những quan điểm đổ lỗi cho nạn nhân vì lý do “chắc kiếp trước nó làm ác nên giờ bị vậy là quả báo, nghiệp báo”. Tôi không bàn về chuyện có luân hồi chuyển kiếp hay không; cá nhân tôi tin rằng nhân quả tồn tại, nhưng theo khía cạnh là mỗi hành vi, lời nói, trải nghiệm, sự kiện và tương tác giữa chúng sẽ dẫn tới một hay nhiều hệ quả nào đó trong tương lai, chứ không phải những khổ nạn kiếp này là quả báo từ kiếp trước.
Lấy ví dụ như tình cảnh hiện tại của người Kurd ở Trung Đông. Tôi không tin rằng bao nhiêu triệu người Kurd rơi vào tình cảnh chia 5 xẻ 7, bị đàn áp liên miên là do “kiếp trước họ ở ác nên giờ phải gặt quả”. Nhưng tôi tin rằng người Kurd không phải khơi khơi bị đàn áp, mà nguyên nhân đến từ những sự việc lịch sử đã diễn ra trong dòng thời không này, như Hiệp ước Lausanne 1923 sau WWI đã thiết lập biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bỏ lơ việc thiết lập quốc gia riêng cho người Kurd như đã thoả thuận trong Hiệp ước Sevres trước đó; do sự tồn tại của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq là mối đe doạ cho chính quyền các nước này một khì người Kurd đòi ly khai; hay như việc người Kurd ở Syria liên minh với Mỹ để đối phó kẻ thù chung ISIS (4).
Nhìn rộng hơn, sự chê trách nạn nhân vì một yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của họ như “nghiệp từ kiếp trước” theo tôi là quá khắc nghiệt, tàn nhẫn và lệch lạc. Đó là một cách ám chỉ rằng nạn nhân gặp nạn là lỗi của họ (mà họ chẳng biết là lỗi gì), họ không thể thay đổi được, và chỉ có cách chấp nhận và sám hối (vì một lỗi mà bản thân họ trong kiếp này không hề biết và không hề phạm).
Chúng ta luôn tin rằng thế giới luôn công bằng theo một cách nào đó: có vay phải có trả, ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác. Nhưng thực tế không như vậy. Thế giới này dường như bất công và tàn khốc hơn chúng ta muốn. Thay vì khen ngợi những người quyền lực, giàu có và đổ lỗi cho những nạn nhân của hệ thống, có lẽ chúng ta nên soi xét những người quyền lực và thương cảm những người cùng khổ hơn.
CHÚNG TA CẦN PHẢI THAY ĐỔI
Ba sai lầm về tư duy trên — 2 sai = đúng, tôn sùng quyền lực, và quả báo — là nền tảng của hành vi đổ lỗi cho nạn nhân, mà việc nhiều người Việt bênh vực Trump bằng cách đổ lỗi cho người Kurd ở Syria chỉ là ví dụ mới nhất. Tư duy này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong vận hành xã hội và luật pháp của chúng ta chứ không đơn giản chỉ là mấy câu chém gió trên mạng xã hội.
Trước hết tôi phải nói rõ rằng vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân không phải là chuyện của riêng ai. Từ người Việt, người Mỹ, người Tàu, người Nga, tư duy đổ lỗi cho nạn nhân vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là một vấn đề chung của con người chứ không chỉ người Việt; ở những xã hội, cộng đồng càng bảo thủ thì tư duy này lại càng nặng nề — đó là một giả thuyết đã được nhiều nghiên cứu khoa học xã hội chứng minh là đúng (5)(6)(7). Tuy nhiên, không thể vì “người ta cũng xấu” mà chúng ta có thể dung túng và bàng quan trước cái xấu của chính mình.
Tư duy đổ lỗi cho nạn nhân thực chất là một cơ chế phòng ngự của tâm lý con người trước những thông tin tiêu cực mà chúng ta gặp phải. Chúng ta luôn tin rằng thế giới này rất công bằng — ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Khi chứng kiến một người gặp phải tai ương, điều đó đe doạ thế giới quan về sự “công bằng” này của chúng ta; để tự trấn an bản thân, chúng ta hay tìm lý do để giải thích tại sao người đó lại gặp nạn, mà không phải chúng ta. Cô gái bị hiếp vì cô ta ăn mặc gợi dục. Thanh niên bị đánh hội đồng bởi vì cậu ta chảnh chó và gây sự. Người Kurd bị Trump phản bội vì họ bạo lực, thân Cộng, chia rẽ và hết giá trị lợi dụng. Bằng cách lập luận rằng nạn nhân của những tai ương trên gặp nạn là do lỗi của chính họ, chúng ta tách rời bản thân khỏi những người đó, và tự trấn an rằng những tai ương trên sẽ không xảy đến với chúng ta, vì chúng ta không như họ (8).
Đó là một suy nghĩ bản năng, huyễn hoặc và tự dối mình. Thử nghĩ một ngày nào đó chúng ta gặp nạn, và mọi người xung quanh nói rằng “Tại mày thế này thế nọ nên mới bị vậy” thì chúng ta sẽ cảm thấy thế nào? Bạn nghĩ bạn không có sai sót nên sẽ không gặp chuyện, nhưng thực tế là tai ương có thể ập xuống đầu bất kỳ ai, không chừa một ai cả. Dĩ nhiên cẩn thận sẽ giúp chúng ta giảm xác suất gặp chuyện chẳng lành, nhưng xác suất đó luôn tồn tại. Và khi chuyện đó xảy ra, tôi chắc chắn điều cuối cùng bạn muốn nghe là “mày phải thế nào mới bị vậy chứ”.
Chúng ta cần phải thay đổi. Và cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tàn nhẫn, độc địa và vô cảm là sự “đồng cảm” (empathy). Khi chúng ta cảm nhận được nỗi đau của những nạn nhân bị hiếp dâm, khi chúng ta cảm nhận được sự bất lực của những người cùng khổ phải chịu áp bức, khi chúng ta cảm nhận được những hy sinh của người Kurd trong cuộc đấu tranh cho một đất nước dân chủ của riêng họ, có lẽ chúng ta sẽ cảm thông với họ hơn, và hướng sự phẫn nộ vào những thủ phạm thật sự gây ra đau khổ cho họ. Chúng ta cần ít đi những toan tính thực dụng, những định kiến cay nghiệt, những cái nhìn vô cảm, và cần nhiều hơn lòng yêu thương, cảm thông, và sự tử tế.
Bạn có thể thích Donald Trump mà vẫn là một người tử tế. Nhưng khi bạn vì bênh vực cho ông Trump mà sẵn sàng chà đạp, bôi nhọ và đổ tội cho những nạn nhân của ông ta, tôi nghĩ bạn cần phải tự vấn lại trí óc và lương tâm của chính mình.
Chú thích:
(1) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=398802507709031&set=a.114237109498907&type=3&theater
(2) https://web.archive.org/web/20160224085811/http://kurdishquestion.com/index.php/kurdistan/west-kurdistan/declaration-of-establishment-by-democratic-syria-forces/1179-declaration-of-establishment-by-democratic-syria-forces.html
(3) https://www.justsecurity.org/61991/false-comparisons-obamas-military-withdrawal-iraq-trumps-syria-disengagement/
(4) https://www.bbc.com/news/world-middle-east-29702440
(5) https://www.jstor.org/stable/3791228?seq=1#page_scan_tab_contents
(6) https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2018.02422/full#h7
(7) https://www.nytimes.com/2016/06/26/opinion/sunday/who-blames-the-victim.html
(8) https://www.psychologytoday.com/us/blog/supersurvivors/201803/why-do-people-blame-the-victim
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.