Loc Pham
*
Tuy có tên “dừa nước” nhưng các nhà thực vật học xếp dừa nước vào “họ cau”; nó không sống trên khô như dòng họ lại phát triển trong vùng sình lầy. Dừa nước mọc khắp các bờ biển, sông rạch Miền Nam, thân nằm sâu trong sình. Dừa nước trải dài một màu xanh mút mắt hai bên bờ Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây khi xe đò Hậu Giang rời Sài Gòn đến vùng Bến Lức, Tân An xuôi về Miền Tây trù phú. Vùng Nhựt Ninh, quận Tân Trụ, Long An dừa nước mọc thành rừng nên địa danh “đám lá tối trời” còn mãi đến bây giờ.
Hoa dừa nước thụ phấn kết thành trái; những trái dừa ép khít vào nhau trên mỗi đầu quài dừa tạo thành một hình tròn như quả chùy, một thứ vũ khí thời trung cổ. Cái dừa nước trắng phau, bổ ra ăn sống, giòn và có vị ngọt, có thể nấu chè hay chế biến vài món ăn chơi khác.
Ngày xưa lá dừa nước rất đắc dụng, dùng lợp nhà, dừng vách hay để chằm “lá cần đóp”. Cụ Vương Hồng Sển giải thích “lá cần đóp, là lá dừa nước ghép chằm lại trên một cọng lá theo chiều ngang, khi lợp trên nóc hay khi chắp thành vách vẫn chắp ngang”. Người Khmer vùng Thủy Chân Lạp rồi đến người Việt Nam đến đây đều lợp nhà bằng lá dừa nước hay lá cần đóp, bền chắc và nhất là mát mẻ quanh năm khi chưa có tôn và ngói. Trong khoảng từ 3 năm đến 5 năm mái nhà được “sấp nóc” lại một lần trước khi thay lá mới.
Lá dừa lợp nhà được bán từng “thiên”; một thiên là 1,000 cặp lá từ một tàu lá đã xé đôi. Bặp dừa còn dùng để chẻ lạt lợp nhà với chính lá của nó. Không biết ai đó trước đây có câu nói đùa “Tắt đèn nhà ngói như nhà lá” để đánh đồng sự đơn giản nào đó chỉ có người trong cuộc mới…biết!
Nhưng thật ra, nhà lá và nhà ngói rất khác nhau! Nó khác như hình ảnh dịu hiền, chất phác của một đóa hoa thơm “hương đồng cỏ nội”, chắc phải đậm đà tình ý hơn so với nét son phấn lụa là của một quý nương chốn thị thành!
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.